DỊ ỨNG THỜI TIẾT: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ

Viêm da dị ứng thời tiết là chứng bệnh da liễu rất nhiều người gặp phải, đặc biệt là những khi giao mùa hoặc thời tiết có chút thay đổi đột ngột. Bệnh không chỉ gây nên những triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Vậy các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chứng bệnh này qua bài viết dưới đây nhé.

Viêm da dị ứng thời tiết là gì?

Viêm da dị ứng thời tiết là một dạng của viêm da dị ứng mà khi đó bề mặt da bị viêm nhiễm, tổn thương do sự kích hoạt của yếu tố thời tiết. Bệnh có thể khởi phát và gây ảnh hưởng lên bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Thường gặp nhất là vùng da mặt, tay, chân, cổ hay các vùng da đổ nhiều mồ hôi.

Cơ chế hình thành viêm da dị ứng thời tiết được lý giải như sau: Khi thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ lên xuống đột ngột khiến trung tâm điều hòa nhiệt ở não bộ không kịp hoạt động làm cơ thể mất đi khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết, dẫn đến các phản ứng nhằm chống lại sự thay đổi đó.

Viêm da dị ứng thời tiết thường gặp nhất là những khi giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột. Chúng được phân loại thành viêm da dị ứng thời tiết nóng và viêm da dị ứng thời tiết lạnh nổi mẩn đỏ

Rất nhiều người thắc mắc rằng viêm da dị ứng có lây không? Chúng tôi cũng khẳng định luôn là viêm da dị ứng thời tiết không lây lan từ người này qua người khác nhưng chúng lại rất dễ lây lan từ vùng da bị tổn thương sang các vùng da khỏe mạnh khác. Đặc biệt chúng là căn bệnh rất dễ tái phát và khởi phát theo mùa.

Viêm da dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Viêm da dị ứng thời tiết không phải là chứng bệnh nguy hiểm, gây tổn hại lớn đến sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách, các tổn thương ngoài da sẽ tiến triển nặng, gây ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh. Ngoài ra có thể dẫn tới tình trạng bội nhiễm da gây tổn thương khó điều trị, đồng thời hình thành sẹo xấu xí.

Nặng hơn, một số trường hợp người bệnh viêm da dị ứng thời tiết gặp phải biến chứng gây tổn thương thần kinh, tổn thương vùng niêm mạc mắt, miệng. Một số khác lại gặp phải tình trạng nguy hiểm hơn như: khó thở, sốc phản vệ, trụy tim mạch, hạ huyết áp, chân tay lạnh,… Do đó, khi thấy có dấu hiệu của chứng bệnh này, người bệnh nên đến ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.

Dấu hiệu nhận biết của viêm da dị ứng thời tiết

Tương tự như các chứng bệnh viêm da dị ứng khác, dấu hiệu nhận biết viêm da dị ứng thời tiết cũng có những nét tương đồng, chỉ khác là nếu bị kích ứng do vấn đề thời tiết thì các triệu chứng thường xuất hiện trên diện rộng và xuất hiện ở bất cứ vùng da nào.

Dưới đây là một số triệu chứng viêm da dị ứng thời tiết thường gặp:

  • Da xuất hiện các đốm ban đỏ trải trên diện rộng
  • Bề mặt da có thể sưng lên gây đau rát
  • Sắc tố da bị biến đổi, nhìn khác bình thường
  • Người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu
  • Da khô ráp, đóng vảy nếu dị ứng thời tiết hanh khô
  • Với dị ứng thời tiết nóng da thường nổi mụn nước và phồng rộp

Ngoài các triệu chứng trên, viêm da dị ứng thời tiết còn kích hoạt thêm một số phản ứng khác của cơ thể như: Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mặt, ngứa mặt và mũi,…

Nếu trẻ em gặp phải tình trạng này thì các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, nên đưa trẻ đi thăm khám sớm. Vì làn da bé rất nhạy cảm, chứng bệnh này có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ, càng để lâu càng diễn tiến nhanh chóng và phát sinh thêm nhiều vấn đề rủi ro.

Viêm da dị ứng thời tiết nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân trực tiếp gây viêm da dị ứng thời tiết đó là do sự thay đổi thất thường của thời tiết, cụ thể ở đây là chính là nhiệt độ và độ ẩm. Hai yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe làn da, nếu chúng mất cân bằng sẽ rất dễ khiến da bị kích ứng bởi các tác nhân cộng hưởng.

Với viêm da dị ứng thời tiết nóng: Nếu nhiệt độ cao, thời tiết oi nóng sẽ khiến da dễ toát mồ hôi. Đây là cơ hội để bụi bẩn và các yếu tố gây kích ứng dễ dàng bám dính vào da gây bít tắc lỗ chân lông, kích hoạt tình trạng viêm da. Không những thế, việc tiết nhiều mồ hôi tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn, virus, nấm sinh sôi và gây bệnh trên da

Viêm da dị ứng thời tiết lạnh nổi mẩn đỏ: Thời tiết lạnh, hanh khô dễ khiến da bị bong tróc, đóng vảy. Nếu không được chăm sóc tốt, làn da rất dễ bị kích ứng và viêm nhiễm.

Ngoài nguyên nhân là do thời tiết thì bệnh còn chịu tác động của một số yếu tố công hưởng khác, làm bệnh khởi phát nhanh hơn như:

  • Do yếu tố di truyền
  • Do cơ địa nhạy cảm, dễ bị kích ứng
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Do tuổi tác, giới tính
  • Do mắc phải cách bệnh lý về gan hoặc các bệnh lý liên quan đến cơ địa như viêm mũi dị ứng, hen suyễn,…

Cách chữa và khắc phục viêm da dị ứng thời tiết hiệu quả

Chữa viêm da dị ứng thời tiết thường không quá phức tạp nếu người bệnh phát hiện và điều trị sớm. Tùy theo tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp. Dưới đây là một số cách chữa viêm da dị ứng thời tiết thường thấy:

Chữa viêm da dị ứng tại nhà bằng các mẹo dân gian

Nếu viêm da dị ứng thời tiết gây ngứa ngáy và nổi mẩn, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian sau nhằm giảm triệu chứng của bệnh tại nhà:

  • Dùng muối: Pha nước muối ấm để tắm hoặc ngâm rửa vùng da bị tổn thương giúp giảm ngứa, chống viêm
  • Sử dụng lá trầu không: Lấy 1 nắm lá trầu không rửa sạch sau đó đun sôi với nước và một ít muối hạt. Sau đó lấy nước này để ngâm rửa vùng da viêm nhiễm hoặc pha loãng để tắm hàng ngày. Cách này sẽ xoa dịu cảm giác ngứa ngáy, đồng thời giúp sát khuẩn ngoài da, cải thiện các triệu chứng viêm da dị ứng thời tiết hiệu quả.
  • Dùng lá khế: Tương tự như trầu không, người bệnh có thể lấy 1 nắm lá khế rửa sạch xong cho vào nồi đun sôi với nước. Lấy nước này ngâm rửa hoặc tắm, có thể dùng bã lá khế chà nhẹ lên vùng da tổn thương. Kiên trì thực hiện hàng ngày sẽ thấy các triệu chứng viêm da dị ứng thời tiết thuyên giảm hẳn

Lưu ý: Người bệnh không nên tùy tiện áp dụng các mẹo chữa viêm da dị ứng thời tiết vì như vậy có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn, gia tăng nguy cơ bội nhiễm da. Vậy nên, trước khi áp dụng một biện pháp nào đó người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

✧ Sử dụng thuốc chữa viêm da dị ứng thời tiết

Thuốc điều trị viêm da dị ứng thời tiết tại chỗ

Các thuốc điều trị viêm da dị ứng thời tiết tại chỗ như: Dung dịch hồ nước, thuốc mỡ, Tacrolimus, Steroid,… sẽ giúp xoa dịu nhanh chóng các triệu chứng đau rát, ngứa ngáy và ức chế sự phát triển của phản ứng viêm. Từ đó sẽ kích thích quá trình tái tạo da, nhanh chóng làm lành các tổn thương trên da.

Đối với nhóm thuốc này, người bệnh cũng cần cẩn trọng khi sử dụng, chỉ nên bôi đúng liều mà bác sĩ chỉ định, không nên bôi một lớp quá dày hoặc dùng gạc y tế để băng vùng da bị tổn thương. Nếu bị kích ứng thì ngưng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay.

Các loại thuốc chống viêm và dị ứng

Với trường hợp viêm da dị ứng thời tiết kéo dài, ngứa ngáy dữ dội, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng histamine H1: Các loại thuốc thuộc nhóm này thường được sử dụng gồm: Loratadin, Cetirizin, Fexonadine,… Chúng có tác dụng chống dị ứng bằng cách ức chế histamine ở thụ thể H1, khi đó các triệu chứng ở da và hô hấp sẽ giảm đáng kể
  • Thuốc kháng histamine H2: Với các trường hợp người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc kháng histamine H1, các bác sĩ có thể chỉ định đồng thời với các thuốc kháng histamine H2 để ức chế tối đa tình trạng phóng thích histamine vào niêm mạc da.
  • Sử dụng thuốc ức chế leukotriene: Leukotrien được biết đến là một trong những tác nhân trung gian gây dị ứng. Vậy nên nếu người bệnh không có đáp ứng với nhóm thuốc kháng histamine, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc ức chế leukotriene để cải thiện triệu chứng của bệnh.
  • Sử dụng Corticoid: Đây là loại thuốc có tác dụng chống viêm da và dị ứng mạnh. Trong trường hợp viêm da dị ứng thời tiết gây nổi mề đay và lan tỏa nhanh chóng, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng corticoid đường uống trong thời gian ngắn hoặc corticoid dạng bôi để giảm tình trạng viêm ngứa tại chỗ
  • Thuốc kháng thể đơn dòng Omalizumab: Nếu tình trạng viêm da dị ứng thời tiết kéo dài và không đáp ứng được với các loại thuốc kể trên, các bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng Omalizumab nhằm chống lại kháng nguyên IgE
  • Các loại thuốc khác: Viêm da dị ứng thời tiết thường sẽ làm phát sinh thêm các triệu chứng khác như sổ mũi, ho, đau họng,… Với các triệu chứng cụ thể các bác sĩ sẽ kê loại thuốc điều trị phù hợp.

Trong các loại thuốc liệt kê phía trên thì các thuốc thuộc nhóm Histamine được đánh giá là có độ an toàn cao hơn, người bệnh có thể sử dụng trong thời gian dài. Còn các loại khác như Corticoid, thuốc ức chế IgE, ức chế leukotriene chỉ được dùng điều trị trong thời gian ngắn hạn và giảm liều lượng ngay khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm.

Với trường hợp trẻ nhỏ bị viêm da dị ứng thời tiết, các bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc bôi tại chỗ và kem dưỡng ẩm. Dưỡng ẩm cho trẻ được coi là biện pháp quan trọng giúp hỗ trợ quá trình điều trị viêm da dị ứng thời tiết tốt hơn. Vào những ngày thời tiết hanh khô thì vấn đề này càng được chú ý bởi độ ẩm trên da không được đảm bảo sẽ tạo điều kiện để bệnh tiến triển xấu hơn. Để biết được sản phẩm nào phù hợp với làn da của trẻ nhỏ thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia da liễu.

>>>XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *