Chải răng là một trong những hoạt động cần thiết hằng ngày giúp bảo vệ răng miệng khỏi các tác nhân gây hại, duy trì một hàm răng sạch và trắng. Thế nhưng, chải răng không đúng cách, không chỉ gây mòn men răng, tổn thương nướu mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý nha khoa. Vậy cách chải răng đúng cách như thế nào?
1. Vì sao phải chải răng đúng cách?
Chải răng mỗi ngày là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khoẻ răng miệng. Một hàm răng khoẻ, trắng sáng không chỉ mang đến sự thẩm mỹ mà còn thực hiện chức năng nhai thức ăn tốt và giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp.
Chải răng tuy là hoạt động thường ngày, nhưng lại có rất nhiều người chải răng sai cách. Việc chải răng sai cách không những không làm sạch răng mà còn dẫn đến các vấn đề về răng miệng như:
- Chảy máu chân răng, tụt lợi.
- Men răng bị bào mòn, răng dễ nhạy cảm.
- Mòn cổ răng, chân răng, viêm xung quanh chóp răng, viêm tuỷ gây mất răng.
- Viêm lợi, viêm nha chu.
2. Cách chải răng đúng cách theo khoa học
Bước 1: Súc miệng trước bằng nước sạch để loại bỏ những vụn thức ăn to.
Bước 2: Rửa sạch bàn chải và lông bàn chải, lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ (khoảng bằng một hạt đậu với người lớn và một hạt gạo đối với trẻ em).
Lượng kem đánh răng phù hợp cho một lần đánh
Bước 3: Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2-3 chiếc răng, thực hiện liên tục đến khi đi hết bề ngoài của hàm.
Bước 4: Đưa bàn chải vào bề mặt bên trong của các răng, cách chải tương tự như mặt ngoài.
Bước 5: Đến vị trí các răng cửa phía trước, đặt bàn chải theo chiều dọc, ngửa đầu bàn chải và đưa vào mặt bên trong của hàm trên, thực hiện động tác lên – xuống để chải các răng cửa phía trên.
Bước 6: Thực hiện tương tự với các răng cửa phía dưới.
Bước 7: Đặt bề mặt lông bàn chải tiếp xúc với bề mặt nhai của các răng hai bên, chải từ trước ra sau.
Bước 8: Dùng lông bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn trên bề mặt lưỡi.
Bước 9: Súc miệng lại bằng nước sạch 3 – 4 lần để đảm bảo làm trôi hết các vụn thức ăn, các mảng bám và kem đánh răng.
Bước 10: Sử dụng nước súc miệng để đánh bay triệt để các mảng bám và giúp hơi thở thơm mát hơn.
Thứ tự các bước chải răng đúng cách
3. Một số lưu ý khi chải răng
Không làm ướt lại bàn chải sau khi đã lấy kem đánh răng vì sẽ làm giảm độ ma sát và các chất làm sạch răng của kem đánh răng.
Thời gian chải răng tốt nhất là từ 2 – 3 phút, không nên chải răng quá lâu và quá mạnh vì có thể làm tổn thương nướu và mòn men răng.
Thời điểm tốt nhất để chải răng là trước khi ngủ và sau mỗi bữa ăn để loại bỏ những thức ăn còn đọng lại trong kẻ răng, chân răng, trên bề mặt răng và lưỡi, loại bỏ các vi khuẩn có hại gây hôi miệng.
Không đánh răng ngay sau khi ăn hoặc sau khi uống nước cam, dứa…mà nên đợi khoảng 30 phút để nước bọt tiết ra trung hoà các axit có trong thực phẩm, tránh làm suy yếu men răng và mòn răng.
Dùng chỉ nha khoa thay tăm xỉa răng sau mỗi bữa ăn để loại bỏ các thức ăn đọng trong các kẻ răng và chân răng.
Sử dụng chỉ nha khoa nhẹ nhàng và đúng cách để tránh làm tổn thương nướu
Sử dụng kem đánh răng có hàm lượng Fluor an toàn cho người lớn trong khoảng 076%, tức trong 100g kem đánh răng nên chứa 0.76 MFP, tương đương 0,1g Fluor.
Chọn bàn chải có lông mềm, đầu bàn chải đủ nhỏ để chải sâu vào các răng phía trong, điều này rất cần thiết đối với những người đã có răng khôn.
Sau khi đánh răng, bạn nên làm khô ráo lông bàn chải bằng cách úp mặt bàn chải xuống, gõ nhẹ thân bàn chải lên thành ly.
Giữ bàn chải sạch sẽ, thay bàn chải 2 – 3 tháng/ 1 lần hoặc ngay khi thấy đầu lông bàn chải bị mòn. Việc sử dụng các bàn chải cũ lâu ngày có thể gây viêm nhiễm răng, lợi, gây chảy máu hoặc sưng đau.
Không sử dụng chung bàn chải để tránh lây nhiễm bệnh.
Giữ gìn bàn chải sạch sẽ, khô ráo là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ răng miệng
4. Cách bảo vệ sức khoẻ răng miệng hiệu quả
Bên cạnh việc đánh răng đúng cách, bạn cũng nên lưu ý một số cách bảo vệ sức khoẻ răng miệng khác như:
- Không hút thuốc lá.
- Không ăn hoặc uống đồ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, nước ngọt…
- Ăn nhiều thực phẩm tốt cho răng, chứa Vitamin C như đu đủ, khoai lang, dâu tây, cam, chanh…và canxi như hải sản, sữa, trứng để răng thêm chắc khoẻ, sáng bóng.
- Không cố gắng ăn những thực phẩm quá cứng vì có thể gây tổn thương răng, ảnh hưởng đến nướu và tuỷ răng.
- Nhai kẹo cao su không đường cũng là một cách tốt để tăng tiết nước bọt, cân bằng độ pH trong khoang miệng.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Không dùng răng để cắn móng tay vì các vi khuẩn có hại trong móng tay sẽ theo đường miệng đi vào các kẽ răng và cơ thể.
- Khám răng định kỳ 4 – 6 tháng/ 1 lần hoặc khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về răng miệng để kịp thời phát hiện và điều trị.
Bảo vệ sức khoẻ răng miệng là yếu tố quan trọng để có được một hàm răng trắng đẹp và chắc khoẻ. Bên cạnh việc tìm hiểu và thực hiện các cách chải răng đúng cách, bạn cũng nên lưu ý tránh những yếu tố có thể gây hại cho răng để giúp quá trình giữ gìn vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng hơn.