NGUYÊN NHÂN GÂY NỔI RÔM SẨY Ở NGƯỜI LỚN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ

Rôm sảy là bệnh ngoài da lành tính nhưng có thể gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh bởi những cơn ngứa bứt rứt, khó chịu và gây mất thẩm mỹ. Bệnh có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và người lớn. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân gây nổi rôm sảy ở người lớn và cách điều trị hiệu quả.

1. Nổi rôm sảy ở người lớn do những nguyên nhân nào?

Mồ hôi được tiết ra ở bề mặt da và sau đó sẽ bay hơi. Nhưng trong trường hợp những tuyến mồ hôi của da bị tắc nghẽn sẽ khiến cho lỗ chân lông không thể thoát mồ hôi dưới lớp biểu bì và gây ra tình trạng rôm sảy. 

Dựa vào độ sâu của các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, tình trạng rôm sảy ở người lớn có thể được chia thành các loại như sau: Rôm sảy dạng tinh thể; Rôm sảy đỏ (rôm sảy gai); Rôm sảy mủ; Rôm sảy sâu. 

Nổi rôm sảy ở người lớn thường do những nguyên nhân sau: 

  • Do đổ mồ hôi quá mức

Khi thường xuyên lao động nặng, tập thể dục với cường độ cao,… cơ thể sẽ phải tiết nhiều mồ hôi và có thể gây ra tình trạng rôm sảy. Đây được cho là nguyên nhân phổ biến nhất.

Bên cạnh đó, thời tiết nóng ẩm, không gian sinh sống và làm việc quá chật chội, không thoáng khí,… cũng khiến chúng ta dễ đổ mồ hôi và nổi rôm sảy. 

  • Một số nguyên nhân khác

+ Một số trường hợp phải nằm quá lâu trên giường cũng rất dễ bị rôm sảy. 

+ Các trường hợp sử dụng thuốc điều trị có thể gây tăng tiết mồ hôi. 

+ Bệnh nhân mắc hội chứng ly thượng bì hoại tử nhiễm độc.

+ Bệnh nhân ung thư điều trị bệnh bằng phương pháp xạ trị.

+ Những người mắc chứng béo phì, thừa cân. 

+ Người có thói quen mặc quần áo quá chật, bó sát và những trang phục có chất liệu thấm hút kém. 

+ Ngoài ra, vùng da bị băng bó quá lâu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nổi rôm sảy ở người lớn. 

2. Triệu chứng nổi rôm sảy ở người lớn

Những triệu chứng nổi rôm sảy ở người lớn không khó để nhận biết. Cụ thể như sau: 

– Trên da người bệnh xuất hiện những nốt mụn đỏ li ti, gây ngứa, cảm giác như bị châm chích và gây sưng nhẹ ở những vùng da bị ảnh hưởng. 

– Những vùng da dễ bị rôm sảy là vùng da tích tụ nhiều mồ hôi như phần da lưng, ngực , bẹn, nếp gấp khuỷu tay, sau đầu gối. 

– Rôm sảy có thể lan rộng ra các vùng da trên cơ thể nhưng bệnh không gây lây lan sang người khác. 

– Bệnh thường gặp ở các vùng khí hậu nóng ẩm. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, hoặc những nốt rôm sảy bị cọ xát với quần áo sẽ khiến triệu chứng ngứa rát ở người bệnh thêm nghiêm trọng. 

Rôm sảy là căn bệnh lành tính nhưng nếu không biết chăm sóc và điều trị đúng cách, vi khuẩn sẽ có thể xâm nhập vào tuyến mồ hôi và gây viêm da hoặc nhiễm trùng da. Bên cạnh đó, có thể khiến khả năng điều tiết nhiệt suy giảm, gây tăng tiết mồ hôi.

3. Phương pháp điều trị tình trạng nổi rôm sảy ở người lớn

Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp cải thiện tình trạng nổi rôm sảy ở người lớn: 

– Hạn chế vận động mạnh để hạ nhiệt cơ thể, giảm tiết mồ hôi. 

– Không nên gãi hoặc cọ xát vùng da nổi rôm sảy.

– Nên lựa chọn những trang phục rộng rãi, được làm từ chất liệu cotton, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Lưu ý, cần thường xuyên thay quần áo. 

– Nên tắm nước mát để có thể khắc phục nhanh chóng những cơn ngứa rát, hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không nên tắm quá nhiều vì nếu bạn tắm quá nhiều lần trong một ngày, lượng dầu tự nhiên trên da sẽ bị giảm đi và khiến triệu chứng rôm sảy lại càng nghiêm trọng hơn. 

– Bên cạnh đó, để giảm triệu chứng ngứa rát, bạn còn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và sử dụng một số loại thuốc giúp làm dịu kích thích da, giảm ngứa và cải thiện tình trạng viêm da,…

– Không nên sử dụng một số sản phẩm như phấn rôm, thuốc mỡ hay một số loại kem bôi của trẻ em vì có thể gây ra tình trạng bít lỗ chân lông và khiến bệnh trầm trọng hơn. 

Nếu được chăm sóc đúng cách, sau khoảng 2 đến 3 ngày tình trạng nổi rôm sảy ở người lớn sẽ được cải thiện đáng kể. Bạn chỉ cần lưu ý cơ bản là không nên tác động nhiệt lên da và giữ cho vùng da bị bệnh luôn khô thoáng. 

Tuy nhiên, nếu nhận thấy một số dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời: 

+ Vùng da nổi rôm sảy có hiện tượng sưng đau, nóng rát. Những vùng da bên cạnh cũng bị ảnh hưởng. 

+ Cơ thể mệt mỏi và có dấu hiệu kiệt sức, không có khả năng đổ mồ hôi. 

+ Ngoài triệu chứng rôm sảy, bệnh nhân còn có dấu hiệu sưng hạch bạch huyết ở ở nách, ở vùng cổ hoặc háng.

+ Sốt cao và có cảm giác ớn lạnh nhưng không rõ nguyên nhân. 

Những bệnh về da thường lành tính nhưng lại có thể gây ra nhiều phiền toái, gây mất thẩm mỹ, thậm chí có thể gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, chúng ta không nên chủ quan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *