VIÊM DA QUANH MIỆNG NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ?

Viêm da quanh miệng không phải là tình trạng hiếm gặp và nó được nhận diện bởi những sẩn mụn mủ nổi lên quanh miệng. Bệnh thường gặp nhiều ở phụ nữ và trẻ em. Hiện tượng này không những gây mất thẩm mỹ trên gương mặt mà còn khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và đau đớn.

1. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến viêm da quanh miệng

Viêm da quanh miệng thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 45, thậm chí nó cũng xảy ra ở trẻ nhỏ.

Tính đến nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây viêm da quanh miệng là gì. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng hiện tượng này có thể xuất phát từ:

  • Tác dụng phụ của steroids, sữa rửa mặt, mỹ phẩm, kem dưỡng ẩm, kem đánh răng chứa Fluor, kem bôi chứa paraffin, petrolatum hoặc dung môi có isopropyl myristate…;
  • Bị nhiễm phải các vi sinh vật gây bệnh như nấm Candida, trực khuẩn Fusiform,… khiến các tế bào da quanh miệng bị tổn thương và biến dạng;
  • Tác động từ tia cực tím, thời tiết nắng nóng;
  • Rối loạn nội tiết tố trong giai đoạn mang thai, tiền mãn kinh hoặc dùng thuốc tránh thai,…

2. Triệu chứng viêm da quanh miệng

2.1. Phân loại viêm da quanh miệng

Viêm da quanh miệng đa phần đều là những trường hợp khá lành tính, nhiều trường hợp có thể tự khỏi sau vài tháng mà không cần can thiệp điều trị nhưng cũng có người bị trong vòng vài năm. Tình trạng này được phân thành 2 mức độ như sau:

  • Viêm da quanh miệng thông thường: triệu chứng đặc trưng là các nốt sẩn đỏ, có thể tróc vảy, mọc mụn nước. Đôi khi những tổn thương da vùng miệng cũng có thể xuất hiện ở vùng da quanh hốc mắt và quanh mũi. Tình trạng này có thể kèm theo biểu hiện bỏng rát hoặc châm chích từ nhẹ đến trung bình. Thường thì những tổn thương này sau khi khỏi sẽ không để lại sẹo;
  • Viêm da quanh miệng nổi u hạt: đây là một dạng biến chứng thường xuất hiện ở trẻ em trước khi bước vào độ tuổi dậy thì hoặc trẻ da đen ở vùng biển Afro-Caribbean. Vùng da quanh miệng, mắt hoặc mũi của trẻ hình thành nhiều vết sẩn viêm đỏ, nâu, nâu vàng hoặc màu thịt.

2.2. Sự khác nhau giữa viêm da quanh miệng và những bệnh lý khác về da

Cần nhận diện rõ sự khác biệt giữa tình trạng viêm da quanh miệng với những dạng tổn thương khác ví dụ như:

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: là những sẩn đỏ, ban đỏ, mụn nước, có thể kèm theo vảy tiết hoặc vảy da chết. Vị trí ban đầu khởi phát bệnh thường là ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố gây dị ứng, thường khiến người bệnh có cảm giác ngứa và không đáp ứng với thuốc kháng sinh thông thường;
  • Viêm da dầu: là sự xuất hiện của các vảy da, ban đỏ khu vực rãnh mũi má, đặc biệt là ở những vị trí như vùng lưng ngực, rãnh cung lông mày,… và hiếm khi xảy ra ở quanh miệng;
  • Viêm da tiếp xúc kích ứng: đặc trưng bởi sự hiện diện của mụn nước, sẩn, ban đỏ, vảy, phù nề gây nên cảm giác nóng rát nhiều ở vùng da bị tổn thương;
  • Mụn trứng cá thông thường: sẩn mụn mủ hoặc sẩn viêm có nhân, sau khi hết mụn có thể để lại sẹo và vết thâm;
  • Mụn trứng cá đỏ: là dạng mụn mủ và sẩn viêm phân bố ở vùng da trung tâm mặt, có khả năng gây giãn mạch và nhiễm trùng da;
  • Chốc mép: da bị bong tróc ở mép môi hoặc quanh mũi, nhận diện dễ dàng bởi các vết trợt, vảy tiết, mụn nước trên da.

3. Các phương pháp điều trị viêm da quanh miệng 

3.1. Chẩn đoán bệnh viêm da quanh miệng

Để xác định người bệnh có đang  bị viêm da quanh miệng hay không, bác sĩ sẽ áp dụng những biện pháp như sau:

  • Xét nghiệm cấy da: một mẫu da nhỏ ở vùng da bị tổn thương sẽ được bác sĩ lấy đem đi xét nghiệm cấy da nhằm kiểm tra xem có nấm hay vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm hay không;
  • Đối với trường hợp bị phát ban vùng da quanh miệng nhưng điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì sẽ cần thực hiện sinh thiết da.

3.2. Điều trị viêm da quanh miệng bằng phương pháp nào?

Khi điều trị, nếu bệnh nhân đang dùng các loại kem hoặc thuốc xịt mũi chứa steroid thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc ngừng sử dụng do những loại thuốc này có thể làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. 

Ngoài ra nếu nguyên nhân gây nên tình trạng viêm da dị ứng là do thành phần chứa trong các loại kem dưỡng da, xà phòng hoặc fluor chứa trong kem đánh răng thì bạn cũng không nên tiếp tục sử dụng mà hãy tìm hiểu những sản phẩm lành tính hơn để thay thế, hoặc không dùng bất cứ sản phẩm nào cho tới khi tình trạng viêm da quanh miệng được cải thiện.

Dưới đây là một số loại thuốc kê đơn thường được áp dụng trong điều trị viêm da quanh miệng: 

  • Thuốc trị mụn tại chỗ;
  • Thuốc kháng sinh tại chỗ như erythromycin và metronidazole;
  • Thuốc kháng sinh dùng theo đường uống như tetracycline, doxycycline, isotretinoin điều trị cho những trường hợp nghiêm trọng hơn;
  • Kem ức chế miễn dịch.

Bên cạnh việc dùng thuốc người bệnh cũng nên thay đổi lối sống để cải thiện bệnh, cụ thể:

  • Không nên lựa chọn những loại sữa rửa mặt hoặc sản phẩm tẩy tế bào chết có tính chất tẩy rửa mạnh hoặc có mùi hương liệu;
  • Thường xuyên giặt giũ khăn tắm và vỏ gối sạch sẽ;
  • Hạn chế những món ăn được chế biến quá cay hoặc quá mặn vì có thể sinh nhiệt gây kích ứng da;
  • Dùng mỹ phẩm có chọn lọc, không nên dùng những loại gây  bí da, rít da mà nên dùng theo chỉ định của bác sĩ da liễu, nên chuyển sang các sản phẩm làm sạch và dưỡng ẩm dịu nhẹ hơn;
  • Bảo vệ làn da trước tác động của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Đặc biệt nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc để điều trị tình trạng viêm da quanh miệng cũng có thể khiến làn da của bạn trở nên nhạy cảm hơn dưới ánh nắng.

Nhìn chung tình trạng viêm da quanh miệng mặc dù đôi khi có thể tự khỏi nhưng nhiều trường hợp nếu không được xử trí và điều trị thích hợp thì tỷ lệ tái phát sẽ rất cao. Vì vậy nếu vùng da quanh miệng của bạn xuất hiện các triệu chứng cảnh báo tình trạng viêm da thì hãy đi khám càng sớm càng tốt để khắc phục và điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *