VIÊM DA MỦ HOẠI THƯ VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Viêm da mủ hoại thư đặc trưng bởi những vết loét trên da, không chỉ gây đau đớn mà còn rất mất thẩm mỹ. Sử dụng thuốc và chăm sóc vết thương đúng cách sẽ có thể cải thiện triệu chứng bệnh và phòng ngừa nguy cơ biến chứng.

1. Viêm da mủ hoại thư gây ra những triệu chứng gì? 

Bệnh viêm da mủ hoại thư rất ít gặp và mọi đối tượng đều có nguy cơ bị bệnh. Trong đó, độ tuổi từ 20 đến 50 được cho là có nguy cơ bị bệnh cao hơn cả. Bệnh có thể gây ra một số triệu chứng như sau:  

– Ban đầu, trên da người bệnh chỉ xuất hiện những vết sưng rất nhỏ và có màu đỏ. Những vết này rất giống với vết nhện cắn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, những vết này sẽ to hơn gây lở loét khiến người bệnh rất đau đớn. 

– Những vết loét do viêm da mủ hoại thư gây ra có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng hai chân là vị trí thường gặp nhất. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp, vết loét xảy ra ở những vị trí quanh vùng vừa được phẫu thuật. Ở một số bệnh nhân, những vết loét gần nhau có thể ngày càng phát triển và hợp nhất với nhau tạo nên một vết loét lớn hơn. 

– Ngoài những dấu hiệu kể trên, người bệnh cũng có thể gặp phải một số dấu hiệu khác tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Do đó, lời khuyên cho bạn là hay liên hệ với bác sĩ bất cứ khi nào trên cơ thể xảy ra bất thường. 

2. Những nguyên nhân gây bệnh viêm da mủ hoại thư

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm da mủ hoại thư. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp mắc viêm da mủ hoại thư thường kèm theo một số bệnh tự miễn khác chẳng hạn như bệnh viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hay tình trạng viêm khớp dạng thấp. Trong một vài nghiên cứu, các nhà khoa học còn cho rằng bệnh có thể liên quan đến các yếu tố di truyền. 

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm da mủ hoại thư có thể được kể đến như: 

– Độ tuổi và giới tính: Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới. Bệnh có thể gặp phải ở bất cứ độ tuổi nào nhưng những trường hợp từ 40 đến 50 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất. 

– Người mắc bệnh viêm ruột, viêm đa khớp dạng thấp, ung thư máu là những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khỏe mạnh khác. 

Nếu chỉ dựa vào những triệu chứng bất thường nêu trên thì rất khó để đưa ra nhưng chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Do đó, các bác sĩ sẽ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. 

Hiện tại, chưa có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán viêm da mủ hoại thư. Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán bằng cách loại trừ các rối loạn tương tự dựa trên những đánh giá lâm sàng, tiền sử bệnh và các loại xét nghiệm khác nhau chẳng hạn như sinh thiết để đánh giá vùng da bị bệnh. 

3. Phương pháp điều trị viêm da mủ hoại thư

Mục đích điều trị viêm da mủ hoại thư là giảm viêm, giảm đau và kích thích quá trình lành da. Thời gian điều trị ở mỗi bệnh nhân là khác nhau và phụ thuộc vào độ sâu của những vết loét trên da. Nhiều trường hợp cần điều trị tích cực trong vài tháng mới có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp quá trình điều trị chỉ diễn ra trong vài tuần. Bệnh nhân có thể điều trị tại viện một thời gian để được chăm sóc những tổn thương trên da một cách tốt nhất. 

Những vết loét có thể để lại sẹo. Trong nhiều trường hợp, dù đã được điều trị hiệu quả những tổn thương cũ nhưng những vết loét mới vẫn phát triển khá thường xuyên. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng: 

– Điều trị bằng thuốc: 

+ Thuốc Corticosteroid liều cao: Có thể dùng thuốc dạng bôi, dạng tiêm hoặc dạng uống, tùy theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, dùng loại thuốc này trong thời gian dài có thể gây ra những tác dụng phụ như mất xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thông thường, trong quá trình dùng thuốc, khi vết thương của người bệnh bắt đầu lành trở lại, bác sĩ sẽ giảm liều thuốc để hạn chế nguy cơ tác dụng phụ.

+ Thuốc ức chế hệ miễn dịch: Có thể là thuốc dạng bôi, uống hay tiêm tùy thuộc vào đơn thuốc của bác sĩ.

+ Thuốc giảm đau: Liều lượng hay loại thuốc tùy thuộc vào mức độ triệu chứng và từng bệnh nhân cụ thể. 

– Chăm sóc vết thương:

Ngoài việc bôi thuốc, những vết loét trên da người bệnh cần được chăm sóc đúng cách. Có thể dùng gạc ẩm để che vết thương.  

Nên thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ vì khi bạn được kê các loại thuốc trị viêm da mủ hoại thư, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ hoạt động kém hơn bình thường và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. 

– Phẫu thuật: Nếu những phương pháp trên không đem lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các mô chết. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến khích. Những vết cắt trên da có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và kích thích gây ra những vết loét mới. 

Nếu cần thiết có thể thực hiện ghép da. Đây là kỹ thuật phủ một miếng da, có thể dùng da tổng hợp lên vết thương hở. Thường được áp dụng khi vết loét đã bắt đầu lành.

– Chế độ sinh hoạt khoa học cũng giúp cải thiện bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng nên suy nghĩ tích cực, nếu có bất cứ vấn đề gì, nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ điều trị. Tránh lo lắng thái quá gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm da mủ hoại thư, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *