Rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì có thể liên quan đến chứng hói đầu ở nam giới. Một tình trạng gây ra bởi gene di truyền và nội tiết tố. Tuy nhiên, tình trạng hói đầu sớm ở trẻ dậy thì thường không phổ biến nên bạn đừng quá lo lắng.
Trên thực tế, việc bị rụng tóc có thể gây căng thẳng vì ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình, khiến mái tóc mỏng hơn hoặc gây hói. Thế nhưng, tin tốt là hầu hết trường hợp rụng tóc ở trẻ đều không quá nghiêm trọng đến mức khiến tóc không thể mọc lại được. Nếu đang có nhiều băn khoăn về vấn đề này, bạn có thể tham khảo những thông tin sau để hiểu hơn về nguyên nhân và hướng điều trị rụng tóc ở thanh thiếu niên dậy thì.
Nguyên nhân gây rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì
Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì, bao gồm cả vấn đề sức khỏe và di truyền. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
Rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì có thể liên quan đến chứng hói đầu
Androgenetic alopecia là thuật ngữ y học dùng để nói về chứng hói đầu ở nam giới, hay còn gọi là chứng rụng tóc do nội tiết tố nam. Dạng rụng tóc này xảy ra bởi sự kết hợp giữa nội tiết tố androgen và gene di truyền. Trong đó, androgen là nội tiết tố có vai trò phát triển các đặc điểm sinh dục nam và gene là yếu tố xác định các đặc điểm về ngoại hình, bao gồm cả gene di truyền về việc con bạn có bị rụng tóc nhiều hay không.
Chắc hẳn bạn đã biết, hói đầu ở nam giới thường bắt đầu khi phái mạnh bước sang tuổi 30 hoặc 40. Tuy nhiên, chứng hói đầu cũng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên tuổi dậy thì dù đây là điều ít ai nghĩ đến. Theo một nghiên cứu cho biết có khoảng 16% nam thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi tham gia thống kê mắc chứng hói đầu. Vì vậy mà androgenetic alopecia có thể là nguyên nhân chính gây rụng tóc nhiều ở các bé trai tuổi dậy thì.
Các nguyên nhân khác gây rụng tóc ở tuổi dậy thì
Rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì có thể được nghi ngờ là do chứng hói đầu phát triển sớm nhưng điều này không phổ biến. Thay vào đó, rụng tóc ở tuổi dậy thì thường do một trong những nguyên nhân phổ biến sau:
Rụng tóc từng mảng (Alopecia areata)
Nếu phát hiện trẻ bị hói thành từng mảng nhỏ trên da đầu, tình trạng này được gọi là rụng tóc từng mảng. Các nhà khoa học cho rằng đây là một chứng rối loạn tự miễn dịch và các nang tóc bị làm tổn thương bởi chính hệ miễn dịch của con người. Tình trạng rụng tóc từng mảng có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ trong độ tuổi dậy thì hoặc thậm chí nhỏ hơn. Mặc dù căn bệnh này có thể chữa được và giúp tóc mọc lại nhưng đôi khi tóc rụng từng mảng vẫn có thể tái phát.
Các bệnh lý về nội tiết
Một số bệnh lý liên quan đến nội tiết như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh lupus… có thể ngăn cản việc mọc tóc và gây rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Các loại thuốc dùng trong điều trị ung thư có lẽ được “điểm mặt” nhiều nhất trong số những nguyên nhân gây rụng tóc. Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác có thể gây rụng tóc ở trẻ tuổi dậy thì còn bao gồm thuốc trị mụn trứng cá, thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, thuốc giảm cân chứa amphetamine… Thông thường, chỉ cần ngừng dùng thuốc thì tình trạng rụng tóc ở trẻ có thể được cải thiện.
Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng
Khi cơ thể không nhận đủ protein, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của tóc có thể góp phần gây rụng tóc và khiến sợi tóc kém khỏe mạnh. Do đó, nếu con bạn bị rối loạn ăn uống, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng hoặc ăn kiêng ở tuổi dậy thì sẽ làm tăng nguy cơ bị rụng tóc. Đối với trường hợp này, bạn cần xây dựng lại chế độ ăn uống đủ chất cho trẻ hoặc đưa con đi khám dinh dưỡng nếu cần thiết.
Rụng tóc do tạo kiểu tóc
Vấn đề sức khỏe không phải là lý do duy nhất gây rụng tóc ở nam lẫn nữ. Tương tự như các bạn gái, nếu con trai tạo kiểu tóc với nhiệt hoặc nhuộm tóc thì đây cũng là lý do gây rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì.
Bạn nên làm thế nào khi trẻ tuổi dậy thì bị rụng nhiều tóc?
Một số trẻ ở tuổi dậy thì bị rụng tóc nhẹ và không quá nhiều thì sẽ không cần đến điều trị. Thay vào đó, bạn có thể giúp trẻ áp dụng một vài cách chăm sóc tóc sau đây:
- Đảm bảo chế độ ăn uống của trẻ cân bằng, đủ chất và lành mạnh.
- Có thể hỏi ý kiến bác sĩ da liễu về việc thay đổi dầu gội phù hợp với tóc yếu, dễ gãy rụng.
- Nên để tóc khô tự nhiên và hạn chế dùng máy sấy tóc.
- Không nên dùng khăn chà xát tóc quá mạnh sau khi gội đầu.
- Đối với tình trạng rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì, việc cắt tóc ngắn hay cắt sát da đầu cũng có thể là giải pháp hữu ích để giảm rụng tóc.
- Điều quan trọng nữa là trẻ ở tuổi dậy thì nên cân nhắc kỹ về việc nhuộm tóc hoặc tạo kiểu tóc bằng các loại máy. Tốt nhất là nên hạn chế để tóc của trẻ tiếp xúc với hóa chất.
Mặt khác, đối với tình trạng rụng tóc nhiều ở nam tuổi dậy thì do chứng hói đầu hoặc liên quan đến bệnh lý nào đó, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị đúng cách. Trong đó, các phương pháp được dùng để kích thích mọc tóc là dùng thuốc (Minoxidil hoặc Finasteride), liệu pháp ánh sáng hoặc phẫu thuật cấy ghép tóc.