TRẺ BỊ CHÀM Ở MÁ: DẤU HIỆU VÀ CÁCH CHĂM SÓC CHO BÉ MÀ MẸ CẦN BIẾT

Chàm sữa là gì? Trẻ bị chàm ở má thì phải làm sao? Bật mí cách trị chàm sữa cho trẻ mà mẹ nào cũng nên giắt túi để sẵn sàng trước mọi vấn đề da xảy ra với bé cưng. Bài viết dưới đây của Thuần mộc sẽ giúp hiểu rõ hơn về chủ đề này, mời bạn cùng tìm hiểu!

Tại Việt Nam và nhiều nước khác, hình ảnh trẻ bị chàm ở má rất phổ biến – bệnh lý da liễu này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn có tên gọi là chàm sữa (hay lác sữa). Có thể nói hầu như ai cũng đều từng bị chàm sữa trong những năm đầu đời.

Trẻ bị chàm ở má: Dấu hiệu nhận biết chàm sữa

Bệnh chàm da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được biểu hiện bởi các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Da khô, ngứa và đóng vảy và bong tróc.
  • Nổi nhiều nốt mẩn đỏ trên da có thể chứa dịch như mụn nước. Những đợt bùng phát mụn nước này còn thường gọi là phát ban làm bé ngứa ngáy, khó chịu.
  • Da dày lên, tăng sắc tố và sạm da thấy rõ ở vùng mí mắt, dưới mí mắt hay vùng má hai bên. Khi sờ vào vùng da bị khô và đóng vảy ở trẻ sơ sinh bị chàm sữa sẽ thấy thô ráp, khô và căng.
  • Các dấu hiệu khác có thể kèm theo như dị ứng, viêm mũi, hen…

Đây là một dạng viêm da cơ địa hay viêm da mạn tính phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Thông thường, chàm sữa không lây và sẽ tự khỏi khi trẻ được 3-5 tuổi. Tuy nhiên, đây cũng là dạng viêm da dễ tái đi tái lại ở trẻ nhỏ mà các mẹ cần quan tâm. Nếu khi trẻ lớn (>4 tuổi) mà vẫn chưa khỏi, bệnh thường kéo dài và hay tái phát có thể biến chứng thành bệnh chốc, viêm da mủ, chàm.

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh được chia làm 3 thể:

  • Cấp tính: Vùng da tổn thương với những mụn nước màu đỏ hồng, có chứa dịch, gây ngứa.
  • Mãn tính: Vùng da bị tổn thương thành từng mảng, khô rát, dày, tróc vảy, sắc tố da thay đổi sau khi bị viêm.
  • Bán cấp: Tổn thương ở giai đoạn trung gian giữa cấp tính và mãn tính.

Trẻ thường bị chàm sữa khi nào và ở đâu?

Theo thống kê, có đến 60% trẻ nhỏ có nguy cơ bị chàm ở má khi chưa tròn 1 tuổi. Ngay ở những tháng mới sinh, mẹ đã có thể dễ dàng quan sát thấy chàm sữa xuất hiện trên da bé. Đặc biệt là lúc này, trẻ bị chàm ở má là phổ biến, rồi lan sang các khu vực khác theo thời gian:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Chàm sữa thường xuất hiện nhiều ở 2 bên má, trán và da đầu của trẻ.
  • Từ 6-12 tháng tuổi khi đang tập bò: Bé thường nổi chàm ở các vùng như khuỷu tay hay đầu gối do cọ xát với mặt đất.
  • Từ 1-2 tuổi: Bé có thể bị chàm sữa ở các vùng nếp gấp của cơ thể như bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối, cổ tay, cổ chân…

Vì chàm sữa thường gây ngứa ngáy, khó chịu nên bé dễ cáu gắt và quấy khóc khi mắc phải. Mẹ cũng rất dễ quan sát được những triệu chứng bất thường trên da và nhận định là chàm sữa. Tuy nhiên, mẹ cũng nên đưa bé đến thăm khám với bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán chính xác và nhận được lời khuyên phù hợp từ bác sĩ.

Cách trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Mặc dù thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng chàm sữa là một loại viêm da cơ địa nên không có cách đặc trị, chỉ có thể làm giảm triệu chứng trên da bé. Điều này cần sự phối hợp giữa bố mẹ và bác sĩ trong việc chăm sóc da và sử dụng các dạng kem thuốc theo toa nếu cần thiết. Một số loại thuốc kê đơn từ bác sĩ nhi khoa có thể cân nhắc cho con bạn là:

  • Corticosteroid dạng dùng tại chỗ: loại kem bôi, gel hay thuốc xịt ngoài da được sử dụng cho trẻ bị chàm ở má nhằm kháng viêm và giảm các triệu chứng như ngứa, rát… Da của trẻ thường nhạy cảm với corticosteroid hơn người lớn gấp nhiều lần. Do đó, các bậc phụ huynh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách dùng và dạng dùng, thời gian dùng cho trẻ.
  • Tắm với dung dịch sát khuẩn: được bác sĩ da liễu đề nghị chỉ với các trường hợp chàm sữa khó kiểm soát. Cách thức tắm này không chỉ giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu trên da bé mà còn kháng khuẩn, kháng viêm khi bị viêm da. Tuy nhiên, với những thủ thuật này, bố mẹ cần hết sức cẩn trọng và tuân theo những chỉ dẫn y khoa từ bác sĩ.

Chăm sóc trẻ bị chàm ở má như thế nào?

Chàm sữa không có cách chữa trị tận gốc nhưng cũng không phải là bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, dưới sự hướng dẫn y tế của các bác sĩ hay y tá, mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ kiểm soát chàm sữa tại nhà với các biện pháp:

Tắm cho trẻ đúng cách

Giúp loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây kích ứng tiềm ẩn trên da của bé. Khi tắm cho trẻ bị chàm ở má, bạn nên tắm bằng nước ấm với những sản phẩm sữa tắm gội dịu nhẹ, không có mùi. Tránh chà xát trên da trẻ và hạn chế tắm quá 10 phút.

Dưỡng ẩm da sau khi tắm là chìa khóa để kiểm soát chàm sữa

Ngay sau khi tắm, hãy thoa kem dưỡng ẩm không có mùi thơm, lưu ý rằng các loại kem có kết cấu đặc và thuốc mỡ thường hiệu quả hơn kem dưỡng hoặc dầu. Dưỡng ẩm cho da của bé 2 lần/ngày hoặc thường xuyên khi cần thiết để đạt được hiệu quả giảm đau.

Loại bỏ các tác nhân làm trẻ bị chàm ở má

Xác định các tác nhân làm da của con bạn dị ứng và loại bỏ chúng, tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố này. Một vài yếu tố thường gây kích ứng da: khói thuốc lá, không khí khô hanh, lông thú cưng, phấn hoa, bột giặt, chất làm mềm vải, dầu gội đầu hoặc xà phòng (đặc biệt là những loại có chứa hương thơm), hay khăn lau, gối, drap… thô ráp. Tất cả những tác nhân này đều có cơ hội tiếp xúc với làn da non nớt của bé và làm tăng nguy cơ chàm xuất hiện trên má, mặt và các bộ phận khác trên cơ thể.

Ngoài ra, cha mẹ cần giữ cho trẻ hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng và các nguyên nhân gây bệnh. Mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể, tối thiểu là 6 tháng đầu sau sinh, tránh cho bé ăn dặm quá sớm trước 6 tháng tuổi. Đồng thời, bạn cần hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như hải sản, trứng, lạc, sữa và các chế phẩm từ sữa. Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, độ ẩm phù hợp và không có khói thuốc lá.

Hy vọng những thông tin trên đây của Thuần mộc có thể giúp mẹ đỡ lo lắng khi trẻ bị chàm ở má hay bị chàm nói chung và bình tĩnh chăm sóc bé con của mình, mẹ nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *