CÁC PHƯƠNG PHÁP HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN TẠI NHÀ

Người bị bệnh vảy nến phải được điều trị bằng nhiều phương pháp như sử dụng các sản phẩm giữ ẩm cho da, thuốc uống hoặc tiêm, thảo dược và liệu pháp ánh sáng nhằm giảm triệu chứng của bệnh. Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm bệnh này nhưng nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến tại nhà có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Cùng Thuần mộc tìm hiểu về những phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến tại nhà trong bài viết sau nhé.

Những phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến tại nhà

1. Bổ sung các thực phẩm thiết yếu

Việc có một chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh vảy nến từ bên trong. Theo Tổ chức Bệnh Vảy nến Quốc gia Hoa Kỳ (National Psoriasis Foundation), việc bổ sung thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn có tác dụng giảm bớt các triệu chứng của bệnh vảy nến thể nhẹ. Nguyên do là vitamin D làm chậm sự tăng trưởng của tế bào da và tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.

Ngoài ra, bổ sung các loại dầu thực vật, quả hạch và các loại hạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh vảy nến. Những thực phẩm chứa axit béo omega-3 được cho là có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến. Omega-3 cũng hỗ trợ hệ miễn dịch, kháng viêm nên có thể giúp đẩy lùi căn bệnh này. Các loại thực phẩm giàu omega-3 tự nhiên bao gồm:

  • Các loại dầu như dầu thực vật, dầu ô liu
  • Các loại hạt như hạt lanh, hạt bí đỏ, đặc biệt là hạt óc chó
  • Các loại cá biển như cá hồi, cá trích,…

Ngoài ra, bạn nên loại bỏ thịt đỏ, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh chế,… khỏi chế độ ăn hằng ngày. Điều này có thể giúp giảm sự bùng phát bệnh vảy nến.

2. Hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến bằng thảo dược

Lô hội (nha đam)

Gel lô hội là một phương thuốc rất hữu hiệu trong việc giảm kích ứng da. Đặc tính giữ ẩm của lô hội có thể làm dịu da và giảm bớt sự khó chịu cho người bị vảy nến.

Lô hội được biết đến với đặc tính làm dịu và mát da, giúp tái tạo tế bào da và chữa lành da bị kích ứng. Người bị vảy nến nên sử dụng kem bôi ngoài da có chứa ít nhất 0,5% lô hội để giảm viêm và giảm kích ứng da. Nên bôi 3 lần/ngày. Liệu trình điều trị là bôi kem này liên tục trong 5 ngày, nghỉ một vài ngày rồi lại tiếp tục sử dụng. Sau 3 – 4 tuần điều trị, tình trạng da của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Nghệ

Nghệ chứa curcumin, một hoạt chất có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Từ lâu, củ nghệ đã chứng minh được công dụng giúp giảm thiểu bùng phát bệnh vảy nến, điều trị các triệu chứng. Các nhà khoa học đã áp dụng liệu pháp dùng một loại gel chứa curcumin, kết hợp với steroid bôi tại chỗ cùng chế độ ăn uống ít sữa để điều trị cho những người bị căn bệnh này. Kết quả là, các triệu chứng của bệnh có sự cải thiện rõ rệt.

Củ nghệ được dùng dưới dạng thuốc viên, thực phẩm bổ sung hoặc gia vị cho các món ăn. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết bạn nên dùng nghệ như thế nào, liều lượng là bao nhiêu để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Liều lượng được FDA khuyến cáo là 1,5 – 3g/ngày.

Cây thanh đại (indigo naturalis)

Từ lâu, cây thanh đại đã được sử dụng trong Đông y. Chiết xuất dầu từ loại cây này có thể giúp điều trị bệnh vảy nến móng tay. Một nghiên cứu đăng trên trang web Karger.com đã chỉ ra rằng, người bị vảy nến móng tay sử dụng loại dầu này mỗi ngày trong 24 tuần sẽ cho cải thiện đáng kể.

Bạn cũng có thể bôi chiết xuất này lên các vùng da bị vảy nến để giúp giảm triệu chứng của bệnh.

Bột yến mạch

Bột yến mạch có thể giúp làm dịu da đang bị kích ứng vì bệnh vảy nến. Hỗn hợp bột yến mạch nấu chín được coi là một trong những loại “keo” tốt nhất để sử dụng trên da.

Bạn có thể dùng bột yến mạch để tắm hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa bột yến mạch nhằm làm dịu làn da, giảm sự tấy đỏ. Bạn hãy pha bột yến mạch vào nước tắm hoặc bỏ bột trong một chiếc khăn mỏng và chà xát khắp người trong khi tắm.

Hỗn hợp mật ong, sáp ong và dầu ô liu

Bạn có thể dùng hỗn hợp gồm: Mật ong, dầu ô liu và sáp ong để bôi ngoài da giúp điều trị bệnh vảy nến. Một nghiên cứu được thực hiện tại Dubai đã so sánh hỗn hợp tự nhiên dùng tại chỗ này với corticosteroid và kết quả là loại hỗn hợp này rất hữu ích trong việc quản lý bệnh vảy nến.

Muối biển Chết hay muối Epsom

Người bệnh vảy nến ngâm mình trong bồn nước ấm có pha muối biển Chết hay muối Epsom có thể giúp giảm ngứa và sự khó chịu do kích ứng da trong bệnh vảy nến. Muối có tác dụng rút chất lỏng ra khỏi các mô, làm giảm phù nề (một tình trạng giữ nước).

Bạn cần dưỡng ẩm da sau khi tắm muối để giúp phục hồi độ ẩm cho bề mặt da.

3. Thay đổi lối sống giúp điều trị bệnh vảy nến hiệu quả

Giảm stress

Stress có thể là nguyên nhân sâu xa của nhiều bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh vảy nến. Stress và bệnh vảy nến có thể tạo thành một vòng luẩn quẩn bởi stress có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh và ngược lại.

Ngoài việc giảm stress bất cứ khi nào có thể, hãy cân nhắc kết hợp thực hành các phương pháp giảm stress như tập yoga hoặc thiền định.

Tránh thức uống có cồn

Thức uống có cồn như rượu, bia có thể là nguyên nhân kích hoạt bệnh vảy nến ở nhiều người. Do đó, bạn nên tránh các loại thức uống này. Nếu đã mắc bệnh, bạn tuyệt đối tránh sử dụng rượu, bia. Điều đó giúp triệu chứng của bệnh không trầm trọng thêm.

Không hút thuốc lá (tránh hút thuốc thụ động)

Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến, làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh, kể cả với những người hút thuốc thụ động. Do đó, nếu trong gia đình có người mắc bệnh vảy nến, các thành viên hút thuốc lá nên từ bỏ thói quen xấu này.

Tránh sử dụng nước hoa và các sản phẩm hóa mỹ phẩm không dùng cho da nhạy cảm
Hầu hết các sản phẩm hóa mỹ phẩm, nước hoa đều có chứa chất tạo mùi và nhiều loại hóa chất gây kích ứng da. Các hóa chất này là nguyên nhân gây bùng phát bệnh vảy nến. Vì vậy, người bị vảy nến nên đọc kỹ thông tin về sản phẩm và chỉ sử dụng những sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm.

4. Tắm nắng

Đối với người bị bệnh vảy nến, việc tắm nắng dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa có thể đem lại kết quả khả quan. Tia cực tím của ánh nắng mặt trời có thể giúp làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào da được kích hoạt bởi bệnh vảy nến. Phương pháp trị liệu này đòi hỏi phải tiến hành vào thời gian nhất định, thường xuyên và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, việc để da tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể là nguyên nhân khiến bạn bị bệnh vảy nến hoặc làm cho các triệu chứng trầm trọng thêm. Vì thế, khi ra ngoài trời nắng, bạn nên che chắn cẩn thận.

5. Giữ da luôn ẩm

Nếu bị bệnh vảy nến, bạn nên giữ da luôn ẩm bằng việc dùng các sản phẩm dưỡng ẩm dành cho da nhạy cảm, sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm ngăn ngừa tình trạng da khô. Da đủ độ ẩm sẽ giúp ngăn ngừa các mảng bám hình thành, giảm được tình trạng bong tróc hiệu quả.

Việc thoa dầu ô liu lên da cũng có thể rất hữu ích với người mắc chứng bệnh ngoài da này. Ngoài ra, nếu bị bệnh vảy nến da đầu, bạn hãy thử xoa khắp chân tóc với vài muỗng canh dầu ô liu nhằm giúp da đầu bớt kích ứng.

Lưu ý:

  • Việc dưỡng ẩm ngay sau khi tắm đem lại lợi ích lớn cho người bệnh vảy nến.
  • Các biện pháp giúp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến tại nhà chỉ nên áp dụng với những trường hợp bệnh nhẹ. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các liệu pháp điều trị bệnh vảy nến tại nhà, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình để có những hướng dẫn cụ thể.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết thêm một số phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến tại nhà. Ngoài ra, bạn nên đi thăm khám bác sĩ định kì để theo dõi tình trạng bệnh của mình nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *