HEN SUYỄN LÀ GÌ VÀ CÁC YẾU TỐ DẪN TỚI TÌNH TRẠNG HEN SUYỄN NẶNG

Hen suyễn là bệnh không lây và khá phổ biến. Số người mắc bệnh trên thế giới ở khoảng 235 triệu người, thường gặp hơn ở trẻ nhỏ. Hen suyễn nếu không được chăm sóc điều trị tốt hoặc các cơ hen suyễn cấp tính không được can thiệp y tế kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Trẻ mắc bệnh cần được điều trị sớm để nâng cao hiệu quả và tránh xa khỏi các yếu tố dẫn tới tình trạng hen suyễn nặng.

1. Tìm hiểu về bệnh hen suyễn

Hen suyễn là bệnh mạn tính khiến lớp niêm mạc của ống phế quản trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị phù nề và kích ứng khi tiếp xúc với tác nhân kích thích. Tình trạng này sẽ gây co thắt khiến đường dẫn khí bị thu hẹp, giảm lưu thông không khí và có thể gây ngạt thở, suy hô hấp.

Hen suyễn khá thường gặp ở trẻ nhỏ và kéo dài dai dẳng

Triệu chứng của hen suyễn khá dễ nhầm lẫn với các bệnh về phổi và hô hấp khác, điển hình như giãn phế quản, lao, hội chứng suy hô hấp mạn tính,… Tuy nhiên, hen suyễn rất khó điều trị dứt điểm, mỗi khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng sẽ lại khởi phát tình trạng viêm nhiễm và hẹp đường hô hấp. 

Trẻ em là đối tượng thường bị hen suyễn nhất, song người trưởng thành hay người cao tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh thường xuyên tái phát ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Trong các đợt khởi phát cấp tính, nếu không can thiệp y tế kịp thời còn dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: suy hô hấp, ngừng hô hấp, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, khí phế thũng, viêm phế quản,…

Các đợt hen suyễn cấp tính có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh

Nếu phụ nữ mang thai bị hen suyễn và không kiểm soát được các đợt khởi phát cấp tính, nhất là khi xảy ra ở tuần thứ 24 – 36 của thai kỳ sẽ dễ gặp các biến chứng như: xuất huyết âm đạo, sản giật, sinh non,… Mẹ bầu bị hen suyễn cũng thường chăm sóc thai không tốt như mẹ khỏe mạnh khác, khiến thai nhẹ cân, miễn dịch yếu và nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

2. Các yếu tố dẫn tới tình trạng hen suyễn nặng 

Khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, tác nhân kích thích, hen suyễn có thể khởi phát nghiêm trọng gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vì thế trong điều trị, tránh xa các yếu tố kích thích này là một trong những biện pháp kiểm soát quan trọng, bao gồm: hóa chất, khói thuốc, ẩm mốc, phấn hoa, cây trồng, lông vật nuôi, gián, một số loại thức ăn,…

Để tránh xa các yếu tố dẫn tới tình trạng hen suyễn nặng, cần lưu ý những vấn đề sau:

Đeo khẩu trang khi đi ra đường

Trong không khí có thể có nhiều loại khói bụi, phấn hoa hoặc hóa chất,… tác động đến đường hô hấp gây kích ứng niêm mạc và từ đó khởi phát cơn hen phế quản. Đây là nguyên nhân khiến hen suyễn trở nặng và khó điều trị hơn. Để hạn chế tối đa việc hệ hô hấp tiếp xúc với các tác nhân độc này, người bệnh nên sử dụng khẩu trang đa lớp mỗi khi ra đường.

Lông vật nuôi là một trong các tác nhân dễ gây hen suyễn nặng

Tránh tiếp xúc với lông vật nuôi

Người mắc bệnh hen suyễn sẽ không thể cải thiện bệnh tốt hơn nếu thường xuyên tiếp xúc với lông vật nuôi gây các đợt khởi phát bệnh. Người bệnh tốt nhất nên hạn chế nuôi hoặc tiếp xúc gần với các loại thú cưng như chim cảnh, mèo, chó,…

Dọn dẹp không gian sống thường xuyên

Tác nhân khiến hen suyễn trở nặng có thể đến từ không gian sống của bạn, vì thế hãy lưu ý nên thường xuyên lau dọn nhà cửa, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm, hút bụi bẩn, sát khuẩn để tiêu diệt các loại vi khuẩn và ký sinh trùng.

Kiêng thực phẩm dễ gây dị ứng

Người bị hen suyễn tốt nhất nên tránh xa các thực phẩm đã từng ăn mà gây dị ứng. Ngoài ra, cần chú ý hơn khi ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, chua, nhộng tằm, mật ong,…

Khi tránh xa được các yếu tố khiến bệnh hen suyễn trở nặng, bạn có thể hạn chế việc khởi phát cơn hen.

3. Biện pháp kiểm soát hen suyễn hiệu quả

Hen suyễn là bệnh khó điều trị dứt điểm, cần 

kiên trì kết hợp điều trị bằng thuốc, hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh kết hợp với tăng cường sức đề kháng cơ thể tự nhiên. Dưới đây là những cách giúp bạn kiểm soát hen suyễn trở nặng hơn:

Bệnh nhân hen suyễn cần tuân thủ theo thuốc điều trị được chỉ định

3.1. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Không phải tất cả thuốc điều trị đều tốt và lành tính với bệnh nhân hen suyễn, các thuốc giảm đau, aspirin hay thậm chí là thuốc nhỏ mắt đều có thể gây hen suyễn nặng nếu sử dụng sai cách.

Vì thế, bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ với cả thuốc hen suyễn lẫn thuốc điều trị bệnh lý khác. Không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc tăng giảm liều dùng mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.

3.2. Tăng sức đề kháng tự nhiên

Sức đề kháng cơ thể có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát hen suyễn, vì thế bên cạnh điều trị với thuốc và tránh xa tác nhân gây hại thì cần lưu ý về cả chế độ ăn uống, thể dục. Thực đơn hàng ngày của người bệnh cần đảm bảo cung cấp đủ các dinh dưỡng cần thiết bao gồm: chất đạm, chất béo, chất xơ,…

Bên cạnh đó, nên tăng cường bổ sung những chất giúp tăng sức đề kháng cơ thể tự nhiên như cam, bưởi, chanh giàu Vitamin C.

Ngoài chế độ ăn uống thì thói quen thể dục thể thao thường xuyên cũng là cách để tăng cường hệ miễn dịch phòng ngừa, điều trị hen suyễn hiệu quả. Hơn nữa khi tập thể dục, các cơ phổi hoạt động tốt hơn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và các cơn hen suyễn.

3.3. Giữ ấm cơ thể

Không khí lạnh là một trong những tác nhân gây ra đợt hen suyễn cấp cùng nhiều bệnh lý hô hấp khác. Vì thế, hãy đảm bảo cơ thể luôn được giữ ấm, nhất là khi thời tiết giao mùa hoặc mùa lạnh. Những vật dụng giúp bạn giữ ấm bao gồm: mũ, áo khoác, khăn, tất, găng tay,…

Giữ ấm cơ thể giúp ngăn ngừa hen suyễn trở nặng

Như vậy, người mắc bệnh nên lưu ý tránh tiếp xúc với các yếu tố dẫn tới tình trạng hen suyễn nặng cùng với tuân thủ điều trị, giữ ấm, tăng đề kháng cơ thể để kiểm soát bệnh tốt hơn. Các đợt hen suyễn cấp cần được can thiệp y tế sớm tránh biến chứng cho sức khỏe. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *