Bệnh chàm được chia thành nhiều dạng khác nhau. Trong đó, chàm da tay là vấn đề phổ biến ở người lớn, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất. Cùng tìm hiểu phương pháp cải thiện bệnh trong bài viết dưới đây.
1. Phải làm sao khi bị chàm da tay?
Nếu tiêu thụ những thực phẩm dễ gây dị ứng, tiếp xúc với những loại hóa chất sẽ dễ gây khởi phát triệu chứng bệnh. Do đó, thói quen rửa tay nhiều lần và đặc thù nghề nghiệp(nghề lao công, công nhân xây dựng, thợ điện nước,…) có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh.
Những người làm nghề lau dọn nhà có nguy cơ cao bị chàm da tay
Khi bị chàm da tay, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như thay đổi màu sắc da tay, da khô, xuất hiện mảng da có vảy, trên da tay có nốt mụn nước, ngứa và đau ở vùng da bị bệnh, một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây chảy máu hoặc có mủ.
Chàm da tay gây bong da, ngứa rát khó chịu
Khi bị chàm da tay, bạn cần lưu ý những điều sau:
– Rửa tay đúng cách
Rửa tay là một thói quen tốt nhưng không nên lạm dụng. Nếu rửa tay quá nhiều lần trong một ngày, đặc biệt là khi rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hoặc các loại chất tẩy rửa mạnh sẽ khiến da tay của bạn trở nên khô ráp và dễ gây triệu chứng bệnh chàm bàn tay.
Do đó, bạn nên rửa tay đúng lúc và đúng cách. Lưu ý lựa chọn những sản phẩm có tính tẩy rửa nhẹ và nên rửa bằng nước ấm.
– Đeo găng tay khi làm việc nhà
Khi làm việc nhà, chúng ta nên có thói quen đeo găng tay để bảo vệ làn da và tránh để cho những triệu chứng của bệnh chàm trở nên nghiêm trọng hơn. Việc đeo găng tay sẽ giúp làn da của bạn an toàn hơn khi buộc phải tiếp xúc với một số loại hóa chất như nước rửa bát, nước tẩy quần áo,…
Tuy nhiên, không nên chọn những loại găng tay được làm từ cao su vì nó có thể gây dị ứng và khiến cho bàn tay của bạn bị đổ mồ hôi khi đeo lâu, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về da. Thay vì dùng găng tay cao su, bạn hãy lựa chọn găng tay được làm từ vải bông để bảo vệ làn da của bạn một cách tốt nhất.
- Không nên chủ quan với các vết rạn nứt trên tay
Những vết nứt nẻ trên da tay người bệnh có thể gây đau và chảy máu, khiến người bệnh gặp rất nhiều phiền toái. Do đó, bạn cần chú ý chăm sóc làn da tay để cải thiện triệu chứng bệnh bằng cách ngâm tay với nước ấm và sau đó để da khô tự nhiên và bôi thuốc mỡ lên tay để giúp da bớt khô và cải thiện tình trạng nứt nẻ. Để đạt được kết quả tốt nhất, nên bôi hai lần mỗi ngày và nên thực hiện thường xuyên.
- Không nên tắm quá lâu
Tắm không đúng cách cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho bệnh của bạn thêm nghiêm trọng. Các chuyên gia Da liễu khuyên rằng, bạn nên tắm bằng nước ấm và không nên tắm quá lâu. Sau khi tắm xong nên lau người nhẹ nhàng và thoa kem dưỡng ẩm.
Đặc biệt, chỉ nên sử dụng những loại xà phòng hoặc sữa tắm có tính tẩy rửa nhẹ, đồng thời có khả năng cấp ẩm tốt. Khi lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm, bạn cũng chỉ nên chọn những sản phẩm không có mùi hương để giảm tối đa nguy cơ kích hoạt những triệu chứng của bệnh chàm.
Trong trường hợp những triệu chứng bệnh kéo dài và nghiêm trọng thì bạn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát triệu chứng (đặc biệt là những cơn ngứa), phục hồi tổn thương trên da, phòng ngừa nhiễm trùng và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau,… tùy thuộc vào thể trạng, mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân.
Người bệnh cần lưu ý không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì sử dụng không đúng cách sẽ không giúp bạn khỏi bệnh mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngay cả khi tình trạng bệnh đã thuyên giảm cũng cần phải tiếp tục uống đủ liều thuốc đã được kê. Việc tự ý dừng thuốc sẽ khiến cho quá trình điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian điều trị.
2. Phương pháp phòng ngừa bệnh chàm da tay
Để phòng ngừa bệnh chàm da tay, bệnh nhân cần thực hiện một số lưu ý sau:
Vệ sinh tay đúng cách để phòng ngừa bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ lây bệnh
+ Những yếu tố có nguy cơ gây dị ứng như khói bụi, nấm mốc, phấn hoa,…
+ Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa, hải sản,… những trường hợp đã từng bị dị ứng thì càng phải cẩn trọng hơn.
+ Không mặc những trang phục được làm từ loại vải dễ gây ngứa như len, dạ, thô,…
+ Không nên suy nghĩ quá nhiều, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài.
+ Hạn chế tiếp xúc với xà phòng hay các loại hóa chất tẩy rửa.
+ Không tiếp xúc với chó, mèo,… vì lông của chúng có thể gây kích thích triệu chứng bệnh chàm.
+ Tránh tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao.
Lưu ý dưỡng ẩm cho da thường xuyên
- Chăm sóc làn da đúng cách
Sau khi rửa tay, lau khô bằng khăn mềm và nên thoa kem dưỡng ẩm để cấp ẩm cho da. Đồng thời nên tập thể dục thường xuyên để nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể phòng chống bệnh tật tốt hơn.
Khi có những biểu hiện bệnh chàm da tay, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu và ngại giao tiếp, làm giảm chất lượng cuộc sống và về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn.