NỔI MẨN ĐỎ SAU KHI DÙNG THUỐC TRỊ MỤN CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Mụn là một trong những vấn đề rất thường gặp ở da, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì do thay đổi nội tiết tố hoặc phụ nữ mang thai, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Khi bị mụn, mọi người thường tìm đến các loại thuốc trị mụn được bán phổ biến trên thị trường, hầu hết là không kê đơn. Song một số người gặp phải tình trạng nổi mẩn đỏ sau khi dùng thuốc trị mụn. Vậy nguyên nhân và nên xử lý tình trạng này như thế nào?

1. Nổi mẩn đỏ sau khi dùng thuốc trị mụn có sao không?

Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị mụn với thành phần khác nhau, Thuần mộc sẽ chia sẻ đến bạn đọc ở mục 2. Mỗi thành phần trị mụn sẽ tác động khác nhau lên da, chủ yếu là tác động giảm sưng viêm, trị vi khuẩn bội nhiễm, làm sạch và giảm thâm sau mụn. 

Mụn là vấn đề rất nhiều người gặp phải

Vì thế, cảm giác khi bôi thuốc trị mụn trên da cũng khác nhau, một số thuốc đem lại cảm giác mát lạnh, một số thuốc gây nóng và rát mặt nhẹ. Tuy nhiên hầu hết thuốc trị mụn đều không gây phản ứng quá nghiêm trọng, đôi khi gây đau rát là do tiếp xúc với vùng da hở do cố nặn mụn trước đó.

Nếu mẩn đỏ nổi nhiều sau khi dùng thuốc trị mụn, khả năng cao là do kích ứng hay dị ứng với thuốc. Tốt nhất nên tạm ngưng sử dụng loại thuốc trị mụn này cùng các loại mỹ phẩm tác động mạnh trên da và đến gặp bác sĩ chuyên gia da liễu càng sớm càng tốt. Để an toàn nhất, bạn nên đi khám và sử dụng thuốc trị mụn do bác sĩ chỉ định, bác sĩ sẽ theo dõi để kịp thời xử lý hay đánh giá hiệu quả trị mụn tốt hơn.

Thuốc trị mụn gây nổi mẩn đỏ có thể do kích ứng

Nhiều bạn nghĩ rằng nốt mẩn đỏ nổi nhiều sau khi dùng thuốc trị mụn này là phản ứng cho thấy thuốc đang tác động trên da mặt. Vì thế nhiều bạn cố sử dụng vì nghĩ rằng các nốt mẩn đỏ này sẽ dần biến mất. Song đây là quan niệm sai lầm, sẽ khiến mẩn đỏ nổi nhiều hơn do da bị kích ứng nặng lên. Tổn thương da càng nghiêm trọng thì phục hồi càng mất thời gian và khó khăn nên tuyệt đối không cố kéo dài dùng thuốc trị mụn khi đã có các triệu chứng dị ứng thuốc.

2. Thành phần thường có trong các loại thuốc trị mụn và tác dụng phụ có thể gặp

Các loại thuốc trị mụn bôi ngoài da phổ biến trên thị trường hiện nay thường chứa các thành phần sau:

2.1. Clindamycin 1%

Thuốc trị mụn chứa thành phần này có thể ở cả dạng gel và dạng dung dịch, có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, giảm tổn thương do mụn. Thuốc trị mụn Clindamycin phù hợp với các loại mụn sần và mụn trứng cá có mủ. 

Thuốc trị mụn chứa Clindamycin có thể gây kích ứng da

Thuốc có tác dụng khá nhanh, người bệnh cần bôi lên vùng da mụn một lớp mỏng từ 3 – 4 lần mỗi ngày, dùng không kéo dài quá 12 tuần. Tác dụng phụ điển hình có thể gặp là dị ứng, nổi mẩn đỏ trên da, da bong tróc, lột da, da khô,… Khi gặp các tác dụng phụ, nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn ngừng thuốc và thay thế sang loại thuốc trị mụn phù hợp khác.

2.2. Erythromycin

Loại gel trị mụn này cũng được khuyến cáo dùng ngoài da hàng ngày từ 1 – 3 lần, có tác dụng tránh nhiễm khuẩn và trị mụn hiệu quả. Tuy nhiên, với những người có làn da nhạy cảm, thuốc sẽ gây một vài phản ứng như: mẩn ngứa, khó chịu, hồng ban trên da, khô da,…

Khi xuất hiện triệu chứng nổi mẩn đỏ hoặc dị ứng do thuốc trị mụn này, nên ngưng sử dụng và liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.

2.3. Benzoyl peroxide

Loại thuốc này có tác dụng kháng khuẩn, giảm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn và làm tiêu nhân mụn. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc khá mạnh, có thể gây tróc vảy lớp da và bong lớp sừng, khô da, viêm da tiếp xúc, kích ứng da,… Khi có những dấu hiệu của dị ứng, cần ngưng sử dụng thuốc ngay và liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.

Cẩn thận không lạm dụng Benzoyl peroxide để trị mụn

Do thuốc trị mụn chứa Benzoyl peroxyd dễ gây dị ứng nên bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên thử thuốc trước khi dùng bằng việc sử dụng lượng nhỏ trên 1 vùng da nhỏ và theo dõi. Nếu trên vùng da đó xuất hiện ngứa, sưng da, mẩn đỏ thì nên ngưng dùng thuốc ngay lập tức.

2.4. Tretinoin

Tretinoin là thành phần đặc trị mụn có tác dụng mạnh, làm tiêu nhân mụn bằng cách đẩy nhân mụn ra ngoài, mở nang kín và giải phóng chất bã thừa gây mụn. Thuốc trị mụn tretinoin thường được chỉ định áp dụng với những người bị mụn ẩn, mụn đầu đen, ít dùng cho mụn mủ và mụn nang.

Thành phần tretinoin có tác dụng trị mụn tốt nhưng dễ gây kích ứng da, do đó cần thử phản ứng bằng cách bôi thuốc trên 1 vùng nhỏ trên da trước khi sử dụng cho toàn bộ da. Đặc biệt cần lưu ý về nồng độ tretinoin sử dụng, nồng độ cao có thể gây tổn thương nghiêm trọng vùng thượng bị, gây mụn phỏng.

Điều trị mụn với tretinoin có thể kéo dài đến hơn 6 tuần, trong thời gian này cần theo dõi xem có xuất hiện triệu chứng nổi mẩn đỏ, khô da, bỏng rát da hay không. Nếu có cần liên hệ với bác sĩ da liễu để được hỗ trợ và xem xét có tiếp tục sử dụng hay không.

3. Hướng dẫn cách trị mụn hiệu quả cao, an toàn

Để dùng thuốc trị mụn hiệu quả, tốt nhất người bệnh nên đi khám chuyên khoa da liễu, với từng trường hợp bác sĩ sẽ kê thuốc uống, thuốc bôi hoặc thuốc điều trị thích hợp. Tránh tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc trị mụn chuyên dụng dễ gây kích ứng trên da sử dụng gây hỏng da, khiến da trở nên nhạy cảm. 

Ngoài ra khi bị mụn, người bệnh nên tránh tự ý sờ tay lên mặt, dùng tay nặn mụn không đảm bảo vệ sinh, chích mụn nhọt giai đoạn viêm hoặc mụn chứa hóa mủ gây nhiễm khuẩn. Bên cạnh dùng thuốc trị mụn thì chế độ ăn uống đầy đủ, lành mạnh kết hợp nghỉ ngơi hợp lý cũng cần được thực hiện để tăng cường sức khỏe làn da từ bên trong.

Nên tránh tự ý sờ tay lên mặt, dùng tay nặn mụn không đảm bảo vệ sinh

Như vậy, nổi mẩn đỏ sau khi dùng thuốc trị mụn hầu hết là dấu hiệu cho thấy da bị kích ứng khi thành phần của thuốc gây tác dụng quá mạnh hay phản ứng phụ không mong muốn. Lúc này người bệnh nên ngưng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *