VẮC-XIN VÀ CƠ CHẾ TÁC DỤNG BẢO VỆ CƠ THỂ?

Vắc-xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn bộ hoặc một phần hoặc có cấu trúc tương tự hay giải độc tố…) dùng để kích thích cơ thể sinh miễn dịch chủ động đặc hiệu, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Vậy cơ chế tác dụng bảo vệ cơ thể của vắc- xin như thế nào?

1. Cơ chế hoạt động của Vắc-xin

Khi cơ thể được tiêm vắc-xin sẽ tạo ra miễn dịch chủ động đặc hiệu cho cơ thể. Vắc-xin sẽ kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết và làm quen với các tác nhân gây bệnh được sử dụng chế tạo ra vắc-xin. Sau tiêm vắc-xin một thời gian, khi các tác nhân gây bệnh thực sự xâm nhập cơ thể người đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh này, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra vi khuẩn, virus xâm nhập và ngay lập tức sản sinh các kháng thể để chống lại tác nhân đó và bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh rất nhẹ, không gây biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Miễn dịch dịch chủ động tức là miễn dịch có được do hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh ra kháng thể sau khi được tiêm vắc-xin; miễn dịch đặc hiệu tức là tiêm vắc-xin phòng bệnh gì thì cơ thể sinh ra kháng thể để phòng bệnh do nguyên nhân đó mà không thể sinh ra kháng thể để phòng bệnh do nguyên nhân khác.

Ngoài miễn dịch chủ động cơ thể còn có thể có miễn dịch thụ động là do kháng thể từ mẹ truyền cho con trong quá trình mang thai hoặc cơ thể được tiêm trực tiếp kháng huyết thanh để bảo vệ (kháng huyết thanh chống viêm gan B, huyết thanh chống uốn ván, huyết thanh phòng dại…). Miễn dịch thụ động mẹ truyền cho con qua nhau thai giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ chống lại một số bệnh như sởi, quai bị, rubella. Miễn dịch thụ động thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng. Do đó, trẻ vẫn cần phải tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch chủ động giúp bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.

2. Cơ chế bảo vệ cơ thể của vắc-xin

Vắc-xin là chế phẩm có chứa kháng nguyên để kích thích cơ thể tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động

Vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên (như virus, vi khuẩn sống giảm độc lực, hay bị bất hoạt, tinh chế, tái tổ hợp…) được kết hợp với các thành phần khác như chất ổn định, chất bảo quản, trợ chất để tạo thành vắc-xin, nhằm kích thích cơ thể tạo miễn dịch chủ động đặc hiệu, chống lại tác nhân gây bệnh, bảo vệ cơ thể. Vắc-xin có thể sử dụng theo đường tiêm, đường uống, đường chủng ngừa (là rạch nhẹ trên da để cho tiếp xúc với vắc-xin, trước đây sử dụng cho vắc-xin phòng lao và phòng đậu mùa nhưng hiện nay không sử dụng nữa)

Vắc-xin kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch “bắt chước” giống như nhiễm trùng tự nhiên. Nhưng trong vắc-xin có chứa tác nhân gây bệnh đã được làm yếu đi hoặc đã bị bất hoạt, hoặc chỉ là một phần của vi sinh vật gây bệnh nên bản thân nó không thể gây bệnh. Khi vắc-xin được đưa vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện vắc-xin như là “vật lạ”, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sản sinh ra kháng thể trung hòa tác nhân gây bệnh, tương tự nhiễm trùng tự nhiên. Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng vài tuần và có thể gây nên một vài triệu chứng nhẹ như sốt, nhưng đây là biểu hiện bình thường và được coi như là dấu hiệu đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Khi quá trình nhiễm trùng “bắt chước” này kết thúc, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào Lympho có trí nhớ miễn dịch. Vai trò “trí nhớ miễn dịch” này chủ yếu ở tế bào Lympho T nhớ. Tế bào này có đời sống dài và đặc biệt có thể lưu truyền thông tin miễn dịch này cho các tế bào T nhớ thế hệ tiếp theo. Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng nhận diện, khởi động các đáp ứng miễn dịch nhanh, mạnh và hiệu quả để sẵn sàng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, giúp cơ thể chủ động chống lại tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm.

Sau mũi tiêm vắc-xin đầu tiên, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ có đáp ứng miễn dịch “tiên phát”- thường đáp ứng chậm và yếu hơn với những lần tiêm vắc-xin mũi tiếp theo (đáp ứng miễn dịch những lần sau được coi là đáp ứng “miễn dịch thứ phát”). Việc bảo đảm khả năng phòng bệnh không chỉ phụ thuộc vào tốc độ phản ứng nhanh mà còn phụ thuộc vào độ mạnh của đáp ứng miễn dịch và đáp ứng miễn dịch càng những lần thứ phát sau càng được tăng cường nhanh và mạnh hơn. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu, thử nghiệm để có phác đồ tiêm bao nhiêu liều vắc-xin, khoảng cách giữa các liều tiêm như thế nào để việc sinh kháng thể đạt được tối ưu và khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể phát động ngay phản ứng miễn dịch đảm bảo đủ nhanh, đủ mạnh để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn cho cơ thể không bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, tùy từng loại kháng nguyên mà sự ghi nhận của “trí nhớ miễn dịch” khác nhau, có nhiều loại kháng thể và “trí nhớ miễn dịch” sẽ giảm dần nên cần phải tiêm nhắc lại các mũi vắc-xin định kì để đảm bảo cho cơ thể có sự bảo vệ tốt nhất.

3. Tác dụng của vắc-xin

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tiêm chủng

Tác dụng của vắc-xin nhằm kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động, đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm. Tính đến thời điểm hiện tại gần 30 bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin phòng bệnh và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Khoảng 85% – 95% người được tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có miễn dịch đặc hiệu để bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Trên thế giới hàng năm đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm vì đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Vắc-xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn cùng với tiêm chủng dịch vụ bảo vệ toàn diện hơn, phòng được nhiều bệnh hơn, góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Tiêm chủng không chỉ bảo vệ cho trẻ em mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng viêm gan, phòng viêm phổi do phế cầu, phòng ung thư cổ tử cung, phòng sởi – quai bị – rubella, thủy đậu… Vắc-xin có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng thông qua việc tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau, giảm gánh nặng chi phí y tế.

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tiêm chủng. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm. Bởi vì, nó dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do cơ thể trẻ chưa có miễn dịch bảo vệ. Hãy trang bị cho trẻ “tấm lá chắn” mang khả năng phòng ngừa bệnh tật vững chắc hơn bao giờ hết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *