Đừng quá lo lắng khi bạn phát hiện ra mình có mùi hôi cơ thể, bất cứ ai trong chúng ta cũng có lúc “không được thơm tho” lắm vì những yếu tố ngoài ý muốn!
Đa số ai cũng có mùi đặc trưng của cơ thể, với nhiều người, đó có thể là mùi mồ hôi hoặc mùi hôi chân, hôi nách… Mùi cơ thể chính là nỗi ám ảnh của bất cứ ai, đặc biệt trong thời tiết nóng nực khiến mồ hôi tiết ra nhiều. Vậy tại sao cơ thể chúng ta lại có mùi hôi, thậm chí ngay cả khi đã chú ý vệ sinh sạch sẽ?
1. Tuyến mồ hôi tự nhiên
Cơ thể con người có đến 4 triệu tuyến mồ hôi nhưng được chia làm 2 loại chính là tuyến ngoại tiết (eccrine glands) và tuyến đầu tiết (apocrine glands).
Các tuyến đầu tiết là những tuyến tiết loại mồ hôi có mùi và phân bố nhiều ở những nơi tập trung nang lông như chân tóc, nách và vùng sinh dục. Tuyến đầu tiết chịu trách nhiệm sản sinh ra mùi đặc trưng của cơ thể và chức năng của chúng được điều hòa bởi các tiến trình nội tiết. Nhưng đôi khi mùi này nặng quá lại biến thành sự phiền toái và nỗi ám ảnh của nhiều người, gây nên mùi hôi cơ thể.
2. Mái tóc có mùi
Một số người mắc hội chứng mang tên “tóc có mùi”. Triệu chứng nổi bật nhất của căn bệnh “tóc có mùi” là trên da đầu và tóc bốc ra mùi hôi rất khó chịu.
Nguyên nhân chính gây hội chứng trên được xác định do vi khuẩn hoặc nấm. Các vi khuẩn này khiến mồ hôi ở đầu tăng lên, các chất béo trong tuyến đầu tiết bị phá vỡ làm cho chúng bám dính vào da đầu và gây ra mùi.
3. Một số loại thực phẩm
Tỏi và hành tây là những gia vị khá quen thuộc đối với người Việt để giúp các món ăn trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu cơ thể của bạn thường xuyên “bốc mùi” thì tốt nhất nên tránh xa loại thực phẩm này.
Những loại thực phẩm có mùi mạnh như hành tây, hành lá hoặc tỏi, khi tiêu hóa ở dạ dày sẽ tạo ra khí lưu huỳnh. Loại khí này sau khi tới ruột già sẽ được hấp thụ vào máu và tỏa mùi thông qua các lỗ chân lông. Điều này đồng nghĩa với việc, khi bạn đổ mồ hôi, cơ thể sẽ có mùi nồng khiến cho bạn rất mất tự tin. Trái ngược với tỏi và hành tây, thịt trắng và cá là những thực phẩm gia tăng mùi thơm cơ thể mà bạn nên dùng.
4. Xà phòng diệt khuẩn
Nhiều người có thói quen sử dụng xà phòng diệt khuẩn để loại bỏ mùi cơ thể, đặc biệt là ở những vùng “nặng mùi” như nách, vùng kín… Nhưng thực tế chứng minh dùng xà phòng diệt khuẩn không đúng cách sẽ làm gia tăng mùi cơ thể. Xà phòng diệt khuẩn dễ làm cho da bị khô, từ đó, cơ thể sản xuất nhiều mồ hôi hơn và làm cho mùi cơ thể càng tăng chứ không có dấu hiệu giảm bớt.
5. Sự căng thẳng gây mùi hôi cơ thể
Khi bạn lo lắng, cơ thể sẽ sản sinh cortisol – một loại hormone có khả năng kích thích tuyến mồ hôi trên toàn cơ thể và tăng cường các vi khuẩn sống trên da. Đó là lý do vì sao khi một người đối mặt với áp lực, căng thẳng, họ thường ra mồ hôi nhiều và có thể có mùi rất “đặc trưng”.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mùi hôi cơ thể. Để giảm bớt mùi hôi khó chịu này, bạn nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày và lựa chọn nhiều rau xanh, trái cây bổ sung vào chế độ ăn uống. Rau xanh giàu chất xơ góp phần làm tăng sự bài tiết, đẩy những chất hữu cơ có trong dạ dày ra ngoài. Vì vậy, vi khuẩn khó sinh sôi phát triển và làm giảm mùi cơ thể rõ rệt.