TÌNH TRẠNG HÔI MIỆNG CẢNH BÁO BẠN ĐIỀU GÌ?

Một số người cho rằng họ bị hôi miệng dù mùi hơi thở của họ hoàn toàn bình thường. Số khác lại có mùi hơi thở không được thân thiện với người đối diện lắm. Nếu bạn lo lắng vì chưa biết được nguyên nhân vì sao chứng hôi miệng lại tìm đến mình thì bài viết sau có thể đưa ra giải đáp giúp bạn. 

Bệnh răng miệng và tình trạng hôi miệng

90% trường hợp hôi miệng đến từ việc protein bị phá vỡ trong khoang miệng. Nếu bạn bị hôi miệng do vấn đề răng miệng gây ra, hơi thở sẽ có mùi trứng thối. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng vệ sinh răng miệng kém.  Hiếm gặp hơn, tình trạng miệng hôi có thể mang mùi rất khó ngửi, xuất phát từ nướu hoặc bề mặt lưỡi. Tình trạng này do sự mất cân bằng trong miệng hoặc quá trình phân hủy protein trên mô nướu hoặc lưỡi gây ra.  

Nếu miệng có mùi hôi, bước đầu tiên bạn cần làm là đến nha sĩ để khám răng và thực hiện chu trình chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng mỗi ngày. Tuy nhiên, vì sức khỏe cơ thể và sức khỏe răng miệng có liên kết với nhau, do đó những dạng mùi hôi miệng cũng sẽ cho bạn biết về các vấn đề khác đang diễn ra trong cơ thể.

Các dạng mùi hôi miệng thường gặp 

Việc có thể xác định được loại mùi hôi miệng mà bạn đang gặp phải thường sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm ra nguyên nhân.

Dưới đây là các loại mùi khác nhau của chứng miệng hôi:

  • Mùi phô mai cho thấy nguyên nhân xuất phát từ mũi
  • Mùi hôi của trái cây cho thấy dấu hiệu của bệnh đái tháo đường
  • Mùi tanh cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về thận 
  • Mùi axit có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc xơ nang
  • Mùi amoniac có thể chỉ ra các vấn đề về thận
  • Mùi mốc có thể báo hiệu bệnh xơ gan
  • Mùi phân có thể báo hiệu tình trạng tắc ruột. 

Hôi miệng là triệu chứng của bệnh gì?

Ngoài việc tìm hiểu và xác định các dạng mùi hôi miệng, bạn cũng đừng bỏ qua 11 loại hôi miệng do nhiều bệnh lý trong cơ thể gây ra, bao gồm:

1. Hôi miệng do sỏi amidan

Tình trạng viêm amidan có thể là nguyên nhân khiến khoang miệng có mùi hôi khó chịu. Đôi khi tình trạng vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn, tế bào chết, chất nhầy bị mắc kẹt trong các nếp gấp ở amidan, sau đó tích tụ và cuối cùng vôi hóa, tạo thành sỏi amidan. Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhất ở những người bị viêm amidan mạn tính hoặc viêm amidan tái phát nhiều lần.

Bệnh nhân có vấn đề mũi sau thường sẽ ho ra những viên sỏi nhỏ, màu trắng. Những viên sỏi trên cùng với chất nhầy cổ họng là dấu hiệu chỉ ra các vấn đề về mũi có nguy cơ gây ra tình trạng hơi thở có mùi. 

Dấu hiệu của sỏi viêm amidan bao gồm:

  • Đau đầu
  • Mất giọng
  • Hôi miệng
  • Đau tai hoặc nhiễm trùng
  • Các nốt mủ trắng hoặc vàng.

Biện pháp khắc phục và điều trị sỏi amidan

  • Không điều trị: Nhiều trường hợp mắc phải sỏi amidan không có triệu chứng sẽ không cần phải điều trị đặc biệt.
  • Nước muối: Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp giảm bớt sự khó chịu của viêm amidan. 

2. Hôi miệng do nhiễm trùng xoang

Tình trạng hơi thở có mùi đôi khi xuất phát từ từ sự tăng trưởng của vi khuẩn hoặc nhiễm trùng xoang, được chia thành 2 dạng như sau:

  • Polyp mũi: Polyp mũi là các mô mềm phát triển quá mức của niêm mạc xoang. Chúng có thể chặn đường thở, dẫn đến nhiễm trùng xoang và gây hôi miệng do nước phía sau mũi chảy xuống cổ họng.
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau: Hệ thống hô hấp của bạn tạo ra một chất bôi trơn gọi là chất nhầy. Chất nhầy có tác dụng làm ẩm hệ thống hô hấp, giúp bẫy và tiêu diệt vi khuẩn hoặc virus trước khi chúng gây nhiễm trùng.

Viêm xoang, polyp mũi và chảy dịch mũi sau đều có thể gây hôi miệng vì chúng thúc đẩy sự tích tụ của vi khuẩn, dị vật và các chất chuyển hóa khiến hơi thở có mùi.

Các triệu chứng của hôi miệng do viêm xoang, polyp mũi sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, chúng có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau răng
  • Khó thở khi ngủ
  • Miệng có mùi vị khó chịu
  • Mất khứu giác hoặc vị giác
  • Chất nhầy đặc, màu xanh lá cây hoặc màu vàng trải dài từ mũi, xuống phía sau cổ họng.

3. Hôi miệng do các bệnh liên quan đến phổi

Nếu miệng xuất hiện mùi hôi khó chịu, nguyên nhân đôi khi xuất phát từ bệnh nhiễm trùng phổi và các tình trạng khác như viêm phế quản, áp xe phổi, lao, khí phế thũng và viêm phổi. Các loại nhiễm trùng phổi bao gồm:

  • Cúm
  • Viêm phổi
  • Viêm phế quản
  • Viêm thanh khí phế quản cấp. 
  • Ung thư phổi thường gây ra hôi miệng rõ rệt và hiện tượng này còn được xem là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. 

Ngoài ra, nếu nhiễm trùng đường hô hấp có biểu hiện tăng sản xuất chất nhầy thì sẽ khó xác định nguyên nhân gây hôi miệng. Thật không may, ngoài việc điều trị nguồn lây nhiễm, loại hôi miệng này vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để.

4. Hôi miệng do ruột

Không ít trường hợp người bệnh gặp phải tình trạng răng miệng có mùi là do hệ tiêu hóa gây ra. Bất kỳ tình trạng nào khiến không khí từ dạ dày di chuyển lên thực quản và khoang miệng cũng đều gây ra chứng hôi miệng. Tuy nhiên, miệng hôi do đường ruột thường là dấu hiệu của sự mất cân bằng chung trong hệ thống tiêu hóa. 

Các nguyên nhân bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày thực quản: Tình trạng này sẽ khiến hơi thở có mùi đi kèm với chứng ợ nóng
  • Đầy hơi và ợ hơi: Bất kỳ tình trạng nào khiến bạn thực hiện hành động ợ cũng tăng nguy cơ hơi thở có mùi, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, không dung nạp thực phẩm hoặc tiêu thụ đường cao.
  • Tắc ruột hoặc táo bón: Khi cơ thể bạn không tiêu hóa được thức ăn, một tác dụng phụ khác có thể xuất hiện là mùi hơi thở rất nồng. 

5. Hôi miệng do hệ chuyển hóa

Hơi thở có mùi do quá trình trao đổi chất gây ra sẽ bao gồm 2 nguyên nhân sau đây:

  • Chế độ ăn keto, ăn kiêng

Việc thực hiện chế độ ăn kiêng low-carb hoặc keto có thể buộc cơ thể bạn đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Điều này tạo ra các hóa chất có tên ketone, chúng sẽ được giải phóng trong hơi thở và khiến khoang miệng nhiễm mùi. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khi cơ thể bạn điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất béo.

Chế độ ăn kiêng keto
  • Đói bụng

Nếu bạn thường xuyên bỏ bữa hoặc nhịn ăn thì thói quen này có thể làm giảm lượng nước bọt trong miệng của bạn, từ đó khiến khoang miệng bị khô và cản trở quá trình đào thải vi khuẩn có hại dẫn đến việc hơi thở có mùi.

6. Hơi thở có mùi do bệnh đái tháo đường

Việc không có đủ lượng insulin cần thiết khiến cơ thể bệnh nhân đái tháo đường đốt cháy chất béo và sản xuất ketone, dẫn đến hơi thở có mùi. Một nguyên nhân gây hôi miệng khác ở bệnh nhân đái tháo đường có thể là suy thận mạn tính.

7. Hơi thở có mùi do gan

Đôi khi những vấn đề mà gan đang gặp phải lại là nguồn gốc của chứng miệng hôi. Việc hơi thở có mùi liên quan đến gan thường là do các tình trạng sau gây ra:

  • Suy gan dẫn đến hôn mê gan (não gan) thường được báo hiệu bởi mùi mốc trong hơi thở khi cơ thể cố gắng bài tiết các sản phẩm phụ từ quá trình phân hủy axit amin có chứa lưu huỳnh. Mùi hôi miệng do xơ gan được mô tả là có mùi trứng thối.
  • Suy gan giai đoạn cuối cũng có thể gây hôi miệng. 

8. Miệng hôi do rối loạn

Hội chứng hơi thở có mùi cá là tình trạng rối loạn chưa được chẩn đoán. Cơ thể và hơi thở của người mắc hội chứng này có mùi tanh của cá. Rối loạn di truyền này ảnh hưởng đến khả năng phân hủy choline, dẫn đến sự tích tụ của hợp chất trimethylamine gây nên mùi tanh.

Mùi tanh được bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, nước bọt, máu và hơi thở ra qua miệng hoặc lỗ mũi. Bệnh nhân mắc chứng mùi cá tanh có thể cần phải loại bỏ hoặc giảm lượng thức ăn chứa nhiều choline như bông cải xanh, đậu, trứng, thận và gan.

9. Hôi miệng do chu kỳ kinh nguyệt

Nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng tình trạng hôi miệng ở phụ nữ có xu hướng tăng trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi đến kỳ kinh, mùi hơi thở của phụ nữ nặng hơn so với nam giới mặc dù nồng độ vi khuẩn trong khoang miệng của cả 2 giới là như nhau.

Lượng nước bọt thấp trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ cũng tạo điều kiện khiến mùi hôi miệng xuất hiện. Tin vui là tình trạng này sẽ giảm dần do sự thay đổi nội tiết tố.

10. Hôi miệng do dùng thuốc

Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ làm khô miệng cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến răng miệng có mùi. Nhiều loại thuốc điều trị những chứng bệnh dưới đây thường có tác dụng phụ là hôi miệng:

  • Mụn
  • Dị ứng
  • Lo lắng
  • Béo phì
  • Nghẹt mũi
  • Giảm đau
  • Trầm cảm
  • Động kinh
  • Hen suyễn
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh Parkinson
  • Tiểu không tự chủ. fv

Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào và bị hôi miệng, hãy nói chuyện với bác sĩ và nha sĩ. Cố gắng tránh các thức uống lợi tiểu như cà phê có thể làm cho tình trạng khô miệng của bạn trở nên tồi tệ hơn.

11. Hôi miệng do tâm lý sợ miệng hôi

Dẫu cho hầu hết chúng ta đều ít nhiều quan tâm đến mùi hơi thở, thì đối với một số người, nỗi sợ hôi miệng thậm chí còn có thể trở thành nỗi ám ảnh. Mặc dù chứng halitophobia (nỗi sợ cơ thể có mùi) thường không phổ biến, chỉ có khoảng 1% người trưởng thành mắc phải nhưng vẫn có nguy cơ trở thành vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Các nha sĩ đã ước tính rằng có tới 25% bệnh nhân hôi miệng mắc chứng halitophobia. Nếu không được điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sự tự tin của bạn, gây ra các trở ngại tâm lý như:

  • Lo lắng xã hội
  • Tần suất đánh răng quá mức
  • Nhai kẹo cao su không ngừng
  • Lo lắng về việc gần gũi với người khác 
  • Từ chối ăn một số loại thực phẩm nhất định
  • Sợ nói (thậm chí là không nói gì cả với những trường hợp cực đoan)

Biện pháp điều trị hôi miệng tại nhà hiệu quả

Để chữa hôi miệng hiệu quả, ngoài việc tìm đến bác sĩ nha khoa tại các phòng khám uy tín, bạn có thể cân nhắc thực hiện các biện pháp gợi ý sau:

1. Giữ gìn vệ sinh răng miệng

Theo các chuyên gia, thói quen vệ sinh răng miệng kém khiến các mảng bám có nhiều điều kiện để hình thành là nguyên nhân phổ biến nhất gây hôi miệng. Do vậy, bạn nên chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và thực hiện trong 2 phút cho mỗi lần. 

Ngoài ra, bạn nên dùng tăm nước hoặc chỉ nha khoa để lấy sạch thức ăn thừa còn sót lại trong kẽ răng sau mỗi bữa ăn. Cuối cùng, hãy dùng bàn chải hoặc dụng cụ chà lưỡi nhằm làm sạch bộ phận này, ngăn không cho vi khuẩn phát triển. 

2. Ăn rau mùi tây

Mùi tây được xem như một phương thuốc dân gian trị chứng hôi miệng vì có hương thơm và hàm lượng chất diệp lục cao có tác dụng khử mùi. Để có thể đẩy lùi mùi hôi miệng, bạn hãy nhai lá mùi tây tươi sau mỗi bữa ăn. 

3. Nước ép dứa

Nước ép dứa không chỉ ngon miệng mà còn được xem là một trong những biện pháp trị hôi miệng nhanh và hiệu quả nhất. Uống một ly nước ép dứa nguyên chất sau mỗi bữa ăn hoặc nhấm nháp một lát dứa trong 1 – 2 phút sẽ giúp bạn phần nào đẩy lùi hiện tượng hơi thở có mùi. Ngoài ra, sau khi ăn trái cây hoặc uống nước ép, bạn nên súc miệng bằng nước lọc để loại bỏ lượng đường còn sót lại trên răng.

4. Sữa chua

Trong sữa chua có chứa nhiều loại vi khuẩn lành mạnh được gọi là lactobacillus. Chúng giúp chống lại vi khuẩn xấu ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể, chẳng hạn như ruột. Các nghiên cứu cho thấy thói quen ăn sữa chua nguyên chất không béo cũng sẽ giúp hỗ trợ giảm hôi miệng sau 6 tuần. 

5. Trà xanh

Trà xanh là một phương thuốc hiệu quả cho chứng hôi miệng. Các chuyên gia cho thấy trà xanh mang đặc tính khử trùng và khử mùi nên có tác dụng làm mát hơi thở tạm thời. Bạc hà cũng đem đến tác dụng tương tự, vì vậy một tách trà bạc hà sẽ là một thức uống lý tưởng để nhâm nhi trong thời gian rảnh rỗi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *