Bệnh tai mũi họng hay ENT (ear, nose and throat) là thuật ngữ chỉ các bệnh lý xảy ra ở các cơ quan này. Chúng thường có mối liên hệ mật thiết với nhau và dễ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể nếu không sớm được kiểm soát, điều trị.
Tai, mũi và họng là các bộ phận quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc duy trì sự sống của cơ thể với những vai trò như:
- Tai: tiếp nhận âm thanh, đồng thời hỗ trợ cơ thể giữ thăng bằng tốt.
- Mũi: nhận biết mùi hương và làm ẩm không khí đi vào phổi. Bên cạnh đó, mũi còn có tác dụng ngăn chặn vi sinh vật gây bệnh xâm nhập cơ thể, đồng thời ảnh hưởng một phần đến vị giác.
- Họng: dẫn không khí đến phổi và thức ăn đến đường tiêu hóa.
Do có cấu tạo sinh lý liên thông với nhau nên nếu một bộ phận gặp vấn đề về sức khỏe, hai bộ phận còn lại cũng chịu liên lụy. Khi các bệnh về tai, mũi và họng xảy ra, chúng có thể gây suy giảm chức năng hoạt động của những bộ phận này, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Vậy, bệnh tai mũi họng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào? Làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả? Mời bạn cùng Thuần mộc cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết sau nhé.
Top 4 bệnh tai mũi họng bạn dễ gặp phải nhất
1. Nhiễm trùng tai
Tai bị nhiễm trùng có thể là do:
- Vi sinh vật xâm nhập vào lỗ tai và mắc kẹt ở đó
- Bên trong tai tích tụ chất lỏng hoặc dịch nhầy do nhiễm trùng hoặc dị ứng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển
Người bị nhiễm trùng tai sẽ cảm thấy đau tai dữ dội và khó giữ thăng bằng, đôi khi có thể kèm theo triệu chứng mất thính lực và chảy dịch từ trong tai.
Mặc dù bệnh có khả năng xảy ra ở tất cả mọi người nhưng trẻ nhỏ dễ bị nhiễm trùng tai hơn người lớn. Đây cũng là dạng nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi. Bé bị bệnh thường có biểu hiện:
- Kéo hoặc giật lỗ tai bị nhiễm trùng
- Quấy khóc bất thường, đặc biệt là trước khi đi ngủ
- Không phản ứng với tiếng gọi của bố mẹ hoặc âm thanh lớn
- Sốt
Nếu kéo dài, căn bệnh tai mũi họng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe – nói mà còn làm chậm quá trình phát triển của bé.
2. Viêm xoang
Virus, vi khuẩn hay nấm phát triển trong các hốc xoang mũi sẽ tạo áp lực và gây viêm. Về cơ bản, viêm xoang được phân thành 2 nhóm chính gồm:
- Viêm xoang cấp tính: thường liên quan đến cảm lạnh nên có xu hướng xảy ra vào những thời điểm trời trở lạnh.
- Viêm xoang mạn tính: có thể là biến chứng của dị ứng lâu ngày không được điều trị hoặc hen phế quản mạn tính. Trong trường hợp này, các biểu hiện của viêm xoang như đau đầu, ho, chảy nước mũi, sốt, mệt mỏi, đau răng… có thể kéo dài hơn 3 tháng.
Tuy hiếm gặp nhưng biến chứng viêm xoang vẫn có nguy cơ xảy ra nếu bệnh không được điều trị, kiểm soát tốt, chẳng hạn như:
- Ảnh hưởng đến chức năng của mắt gây giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn
- Tình trạng nhiễm trùng lây lan đến các cơ quan, bộ phận khác, ví dụ như tủy xương, da, não…
3. Viêm amidan
Một trong những căn bệnh tai mũi họng phổ biến mà mọi người đều đã từng nghe qua là viêm amidan. Tình trạng này có thể gây đau họng dữ dội và thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như cảm lạnh, viêm họng liên cầu khuẩn…
Phẫu thuật cắt amidan là phương pháp điều trị thường gặp cho vấn đề nhiễm trùng trên. Tuy nhiên, thực tế đây không phải là lựa chọn chữa trị đầu tay mà chỉ được chỉ định trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như:
- Amidan sưng viêm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và ăn uống của người bệnh
- Bệnh gây hôi miệng và thay đổi giọng nói
- Tình trạng viêm amidan kéo dài và không có dấu hiệu cải thiện sau khi dùng kháng sinh
- Viêm họng liên cầu khuẩn tái phát liên tục
Ngoài ra, phẫu thuật này đôi khi cũng có thể được điều trị cho một căn bệnh tai mũi họng thường gặp khác là chứng ngưng thở khi ngủ.
4. Chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu thường xuyên bắt gặp các dấu hiệu như ngủ ngáy, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, đau đầu, mệt mỏi, thức dậy với cảm giác rất khô hoặc đau họng…bạn có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Bệnh có khả năng xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là những người:
- Thừa cân
- Có cấu trúc mũi hoặc cổ họng dị tật
- Bị viêm amidan
- Có đường thở ngắn hơn bình thường
Nếu không sớm được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như:
- Thay đổi cảm xúc tiêu cực
- Trầm cảm
- Suy tim
Bệnh tai mũi họng có phòng ngừa được không?
Thực tế, không có cách nào giúp bạn ngăn ngừa tất cả các bệnh về tai mũi họng. Mặc dù vậy, áp dụng một số quy tắc dưới đây có thể góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian phát bệnh:
- Tập thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc đi vệ sinh
- Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc
- Mau chóng tiếp nhận điều trị nếu bạn bị dị ứng
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Thường xuyên tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học để nâng cao hệ miễn dịch
Hầu hết mọi người đều có thể mắc bệnh tai mũi họng ít nhất một lần trong đời. Hy vọng bài viết trên có thể cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về các tình trạng sức khỏe này và cách ngăn ngừa chúng hữu hiệu.