4 NGUYÊN NHÂN GÂY NGỨA HỌNG, NGỨA TAI BẠN CẦN LƯU TÂM

Ngứa họng ngứa tai là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như dị ứng hay cảm lạnh. Những triệu chứng này thường không đáng lo ngại và có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngứa cổ họng và lỗ tai lại là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ngứa họng ngứa tai và cách chữa trị chúng.

4 nguyên nhân phổ biến gây ngứa họng ngứa tai

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng hay còn gọi là sốt cỏ khô xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn và phản ứng với một số chất thường không gây hại trong môi trường tự nhiên. Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng có thể bao gồm:

– Phấn hoa

– Vảy da thú cưng

– Nấm mốc

– Mạt bụi

– Các chất kích thích khác, chẳng hạn như khói hoặc nước hoa

Ngoài việc gây ngứa họng ngứa tai, viêm mũi dị ứng còn gây ra các triệu chứng sau:

– Sổ mũi

– Ngứa mắt, miệng hoặc da

– Chảy nước mắt

– Hắt xì

– Ho

– Nghẹt mũi

– Mệt mỏi

Dị ứng thức ăn gây ngứa tai và ngứa cổ họng

Dị ứng thực phẩm phát sinh khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng như lạc (đậu phộng), trứng hoặc các thực phẩm khác. Ước tính có từ 4–6% trẻ em và 4% người lớn bị dị ứng thực phẩm.

Triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

– Co thắt dạ dày

– Nôn mửa

– Tiêu chảy

– Nổi mề đay

Trong một số trường hợp, dị ứng có thể nghiêm trọng đến mức gây sốc phản vệ, đe dọa tính mạng của người bệnh. Khi có các triệu chứng sốc phản vệ, bạn cần gọi cho dịch vụ y tế khẩn cấp tại địa phương hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:

– Khó thở

– Thở khò khè

– Sưng miệng

– Khó nuốt

– Chóng mặt

– Ngất xỉu

– Cổ họng bị thắt lại

– Loạn nhịp tim

Có đến 90% trường hợp dị ứng bắt nguồn từ các loại thực phẩm sau:

– Đậu phộng và các loại hạt, như hạt óc chó và hạt hồ đào

– Cá và hải sản có vỏ như nghêu, sò, ốc

– Sữa bò

– Trứng

– Lúa mì

– Đậu nành

Một số loại hạt, trái cây và rau củ có chứa một loại protein tương tự như chất gây dị ứng trong phấn hoa. Nếu bạn bị dị ứng phấn hoa, những thực phẩm sau đây có khả năng gây ra phản ứng gọi là hội chứng dị ứng miệng:

– Táo

– Chuối

– Cà rốt

– Rau cần tây

– Quả anh đào

– Dưa chuột

– Hạt phỉ

– Kiwi

– Dưa

– Cam

– Đào

– Lê

– Mận

– Cà chua

– Bí ngòi

Các triệu chứng dị ứng miệng bao gồm:

– Ngứa miệng

– Ngứa họng ngứa tai

– Sưng miệng, lưỡi và cổ họng

Một số trẻ bị dị ứng nặng với các loại thực phẩm như trứng, đậu nành và sữa bò. Các loại dị ứng thực phẩm khác như dị ứng lạc và hạt cây có thể kéo dài suốt đời.

Ngứa họng ngứa tai do dị ứng thuốc

Nhiều loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng chỉ khoảng 5-10% phản ứng với thuốc là dị ứng thực sự. Cũng giống như các loại dị ứng khác, dị ứng thuốc xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn nhầm lẫn thuốc thành một tác nhân gây hại và phản ứng lại một cách quá mức cần thiết. Hầu hết các phản ứng dị ứng xảy ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi bạn dùng thuốc. Các triệu chứng dị ứng thuốc bao gồm:

– Phát ban da

– Nổi mề đay

– Ngứa

– Khó thở

– Khò khè

– Sưng phù

Một số trường hợp dị ứng thuốc nghiêm trọng có thể gây sốc phản vệ với các triệu chứng như:

– Nổi mề đay

– Sưng mặt hoặc cổ họng

– Thở khò khè

– Chóng mặt

– Sốc

Bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay khi có các triệu chứng dị ứng thuốc. Nếu bị dị ứng, bạn phải ngừng sử dụng loại thuốc đó. Nếu dị ứng thuốc gây ra sốc phản vệ, bạn cần gọi cho dịch vụ y tế khẩn cấp tại địa phương hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

Cảm lạnh

Cảm lạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây ngứa họng ngứa tai phổ biến. Hầu hết người trưởng thành đều bị cảm lạnh từ 2 đến 3 lần mỗi năm, với triệu chứng điển hình là hắt hơi.

Các loại virus gây cảm lạnh thường lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Cảm lạnh không phải là một vấn đề nghiêm trọng nhưng chúng gây phiền nhiễu cho người bệnh. Chúng thường kéo dài một vài ngày với các triệu chứng sau:

– Sổ mũi

– Ho

– Hắt xì

– Đau họng

– Nhức mỏi cơ thể

– Đau đầu

Cách điều trị triệu chứng ngứa họng và ngứa tai

Bạn có thể tự điều trị các triệu chứng cảm lạnh và dị ứng mức độ nhẹ bằng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng. Để giảm ngứa, bạn cũng nên thử dùng thuốc kháng histamine dạng uống hoặc kem bôi.

Một số loại thuốc kháng histamine phổ biến bao gồm:

– Diphenhydramine (Benadryl)

– Loratadine (Claritin)

– Fexofenadine (Allegra)

Nếu các triệu chứng ngứa tai và ngứa họng kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn, hãy gọi cho bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách điều trị.

Dưới đây là các phương pháp điều trị theo từng nguyên nhân gây ngứa họng và ngứa tai mà bạn có thể tham khảo:

Viêm mũi dị ứng

Bạn có thể kiểm soát triệu chứng ngứa họng ngứa tai và các triệu chứng dị ứng khác bằng cách sử dụng thuốc thông mũi không kê đơn, chẳng hạn như pseudoephedrine (Sudafed) hoặc thuốc kháng histamine như loratadine (Zyrtec). Những loại thuốc này có cả dạng viên, dạng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi.

Để hạn chế các tác nhân gây dị ứng, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:

– Ở trong nhà khi lượng phấn hoa bên ngoài cao. Đóng cửa sổ và bật điều hòa không khí.

– Không hút thuốc lá và tránh xa bất cứ ai đang hút thuốc.

– Không cho phép thú cưng vào phòng ngủ.

– Giữ độ ẩm trong nhà ở mức dưới 50% để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Làm sạch những nơi có xuất hiện nấm mốc bằng hỗn hợp nước và thuốc tẩy clo.

– Sử dụng loại tấm phủ giường chống mạt bụi.

– Giặt khăn trải giường và các loại khăn khác trong nước nóng trên 60ºC. Hút bụi đồ nội thất, thảm và rèm cửa.

Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau khi áp dụng các phương pháp điều trị trên, bạn nên đến gặp bác sĩ dị ứng.

Dị ứng thức ăn

Nếu bạn thường phản ứng với một số loại thực phẩm nhất định, hãy đến gặp bác sĩ dị ứng. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm chích da để xác nhận loại thực phẩm nào đang kích hoạt phản ứng dị ứng trong cơ thể bạn.

Khi đã xác định được loại thực phẩm gây dị ứng, bạn cần tránh xa nó. Luôn kiểm tra nguyên liệu món ăn trước khi thưởng thức để tránh bị dị ứng.

Dị ứng thuốc

Khi có triệu chứng ngứa họng ngứa tai do dị ứng thuốc, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám. Có khả năng bạn sẽ được đề nghị ngừng dùng thuốc. Trong trường hợp có các dấu hiệu sốc phản vệ, bạn cần gọi ngay cho cấp cứu để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Cảm lạnh

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị cảm lạnh triệt để. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm các triệu chứng của mình bằng các loại thuốc sau:

– Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil).

– Thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt mũi, chẳng hạn như pseudoephedrine (Sudafed).

– Thuốc cảm lạnh kết hợp như dextromethorphan (Delsym).

Cảm lạnh thường sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Bạn cần đi khám ngay nếu các triệu chứng ngứa họng ngứa tai kéo dài hơn 10 ngày hoặc trầm trọng hơn theo thời gian. Đặc biệt, bạn cần phải nhờ trợ giúp y tế khẩn cấp khi có các triệu chứng sau:

– Khó thở

– Thở khò khè

– Nổi mề đay

– Nhức đầu dữ dội hoặc đau họng

– Sưng mặt

– Khó nuốt

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu hoặc dịch cổ họng để xem xét loại vi trùng đang gây ra vấn đề cho bạn. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị dị ứng, bạn có thể được đề nghị đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để kiểm tra da và máu hoặc chuyển đến khám ở chuyên khoa tai mũi họng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *