Bệnh hắc lào có lây không là thắc mắc thường gặp của nhiều bệnh nhân. Khi biết được câu trả lời cụ thể, bạn sẽ chủ động hơn trong cách chăm sóc bản thân và người bệnh.
Hắc lào là bệnh da liễu do một loại nấm có tên là tinea gây ra. Khi phát bệnh, bạn sẽ thấy các đốm đỏ hình tròn, có vảy trên da. Chúng làm bạn ngứa ngáy, khó chịu. Bệnh thường xuất hiện phổ biến ở da cánh tay, chân hoặc da đầu. Ai cũng có thể mắc bệnh nhưng đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ em và người có hệ miễn dịch kém.
Bệnh hắc lào có lây không?
Thông thường, các loại bệnh thuộc nhóm da liễu có tốc độ lây lan rất cao. Bệnh hắc lào cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Trên cơ thể người bệnh, triệu chứng hắc lào có thể lây từ vùng da này sang vùng da khác nếu bệnh nhân không biết cách giữ gìn vệ sinh cơ thể.
Bên cạnh việc lây lan trên cùng một chủ thể, còn có 3 đường lây lan bệnh phổ biến khác, bao gồm:
- Lây từ người sang người: Sự lây nhiễm này xảy ra khi người bệnh có tiếp xúc da kề da với người khác. Ở yếu tố lây lan này, những người sống cùng nhà với bệnh nhân hắc lào hoặc người tham gia các môn thể thao có tính chất da kề da với người khác là nhóm đối tượng có nguy cơ bị lây bệnh cao nhất.
- Lây từ động vật sang người: Ngoài cơ thể người, nấm gây bệnh hắc lào còn có thể ký sinh trên cơ thể chó, mèo, heo, bò… Vì thế, nếu bạn tiếp xúc với một trong các loại vật nuôi trên trong lúc nó đang nhiễm bệnh, có rất nhiều khả năng bạn cũng đã bị nấm tinea ký sinh trên cơ thể mình.
- Lây từ đồ vật sang người: Sự lây lan này xảy ra khi bệnh nhân hắc lào sử dụng các loại đồ vật như lược chải tóc, khăn mặt, khăn trải giường làm… mà không vệ sinh sạch sẽ trước khi có người khác sử dụng tiếp.
Hy vọng rằng, khi đã có lời giải cho câu hỏi bệnh hắc lào có lây không và lây qua những con đường nào, bạn sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh.
Phòng ngừa bệnh hắc lào
Có một số bước cơ bản giúp bạn phòng tránh được căn bệnh lây nhiễm này, bao gồm:
- Để phòng ngừa lây lan, bạn cần nhớ một nguyên tắc quan trọng là luôn phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi có sự tiếp xúc ở những nơi công cộng như hồ bơi, phòng thay đồ ở trung tâm thể dục…
- Một điều cần lưu ý khác là không bao giờ sử dụng chung hoặc chia sẻ các vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, dụng cụ trang điểm… với người khác.
- Chỉ đội mũ bảo hiểm và sử dụng các vật dụng cá nhân của mình. Nấm gây bệnh hắc lào thường gây triệu chứng ở da đầu người bệnh. Vì thế, không đội nón bảo hiểm của người khác sẽ giúp bạn giảm bớt một nguy cơ mắc bệnh.
- Nấm tinea sinh sôi và phát triển mạnh ở môi trường ẩm ướt. Bạn không nên mặc đồ quá chật hoặc quá dày để tránh bị đổ mồ hôi tạo môi trường sống tốt cho loại ký sinh trùng này.
- Nếu bạn tham gia một môn thể thao có tính chất da kề da với người khác, hãy tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch chống nấm ngay sau khi tập luyện hoặc thi đấu. Ở phòng thay đồ, bạn cần hạn chế để đồ dùng của mình chạm vào tường hoặc rơi xuống sàn nhà vì đó là những nơi có nhiều khả năng đang có ký sinh trùng hoạt động.
Điều trị bệnh hắc lào
✧ Điều trị bằng liệu pháp tự nhiên tại nhà
Khi nghi ngờ mình bị bệnh hắc lào, bạn có thể áp dụng những cách chữa bệnh hắc lào tại nhà bằng dược liệu thiên nhiên để hạn chế lây lan sang những vùng cơ thể khác. Tuy nhiên, cách chữa bệnh hắc lào tại nhà chỉ nên áp dụng khi bệnh vừa mới xuất hiện. Trong trường hợp bệnh gây phát ban da nghiêm trọng, ngứa ngáy cùng một lúc ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể, bạn cần tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tìm cách điều trị phù hợp.
✧ Điều trị hắc lào bằng thuốc
Nhiều loại thuốc trị hắc lào theo toa có nhiều dạng như dung dịch bôi, kem, thuốc mỡ, kháng sinh dạng viên nang hoặc viên nén. Khi thăm khám, có thể bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng một trong 2 loại thuốc phổ biến sau:
- Butenafin
Đây là thuốc dạng bôi. Bạn cần sử dụng theo liều lượng quy định của bác sĩ. Gần như thuốc không gây ra tác dụng phụ.
- Ciclopirox
Thuốc dạng kem, dung dịch hoặc dầu gội đầu. Với những người bị tiểu đường, hệ miễn dịch kém hoặc đang dùng các loại thuốc kiểm soát động kinh, bác sĩ sẽ hạn chế cho sử dụng loại này vì nó có thể gây ra biến chứng. Vì thế, nếu đang gặp phải các tình trạng sức khỏe trên, bạn cần thông báo cho bác sĩ điều trị hắc lào.
>>>Xem thêm:
- DẤU HIỆU BỆNH HẮC LÀO: BIỂU HIỆN DỄ NHẬN BIẾT NHẤT
- 11 QUAN NIỆM SAI LẦM VÀ SỰ THẬT VỀ BỆNH HẮC LÀO
- BỆNH HẮC LÀO (LÁC ĐÔNG TIỀN): TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
Các bài viết của Thuanmoc.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.