Vẩy nến nghịch đảo là một căn bệnh tự miễn, chỉ xảy ra ở những vùng da có nhiều nếp gấp trên cơ thể. Tuy là một dạng của vẩy nến nhưng chúng lại có những đăc điểm riêng biệt. Những thông tin mà chúng tôi cung cấp dưới đây sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về chứng bệnh, từ đó có các hướng điều trị phù hợp.
I. Thông tin tổng quan về bệnh vẩy nến nghịch đảo
Bệnh vẩy nến nghịch đảo là gì?
Còn được gọi bằng cái tên “vẩy nến intertriginous”, đây cũng là một dạng của bệnh vẩy nến nhưng chúng lại có những đặc điểm khác với vẩy nến thông thường.
Hiểu một cách đơn giản, vẩy nến nghịch đảo là tình trạng da bị viêm. Khác với những dạng vẩy nến còn lại, vị trí tổn thương của da chỉ xuất hiện ở những vùng có nhiều nếp gấp như nách, háng, dưới ngực, bộ phận sinh dục… Theo nhiều thống kê cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh vẩy nến dạng này thường chiếm khoảng 3 – 7% trong tổng số các trường hợp bị vẩy nến.
Triệu chứng bệnh vẩy nến nghịch đảo
Như đã được đề cập, đặc trưng của vẩy nến nghịch đảo là nó chỉ xuất hiện ở những vùng da có nhiều nếp gấp như nách, háng… những vị trí này thường rất nhạy cảm, hay bị cọ xát nhiều nên các triệu chứng bệnh cũng có sự khác biệt. Nếu như ở vẩy nến thông thường, da sẽ bị bong tróc, khô, ngứa, đỏ… thì với vẩy nến nghịch đảo, các biểu hiện của nó lại hoàn toàn khác. Vùng da bị tổn thương thường không bị tróc vẩy, sần sùi mà thay vào đó là da bị đỏ, bề mặt của da sáng bóng, mịn màng. Các triệu chứng của bệnh sẽ trầm trọng hơn khi da tiết nhiều mồ hôi hoặc bị cọ xát mạnh.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ có cảm giác ngứa ngáy, đau rát tại những vùng da bị viêm. Một số trường hợp, các tổn thương ở những vùng da này bị nứt nẻ gây chảy máu khiến người bệnh bị đau. Nếu vấn đề này không được xử lý sớm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến nghịch đảo
Cho đến nay nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều khẳng định rằng vẩy nến nghịch đảo cũng tượng tự như các bệnh tự miễn khác, chúng xảy ra khi có sự rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này được cho là do di truyền. Có khoảng 40% những người mắc bệnh vẩy nến nghịch đảo có người thân đã từng bị bệnh.
Những người thừa hưởng các gen di truyền không phải ai cũng bị vẩy nến mà chỉ khi có các yếu tố kích hoạt các quá trình kích ứng thì bệnh mới bộc phát. Một số yếu tố mà chúng ta có thể kể đến bao gồm:
- Tác dụng phụ của thuốc như thuốc chống sốt rét, thuốc lithium.
- Bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng strep hoặc đường hô hấp.
- Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Do thiếu vitamin D.
- Mắc bệnh béo phì.
Những nguyên nhân gây bệnh mà chúng tôi nêu ra ở trên là một danh sách không đầy đủ. Các yếu tố này sẽ thay đổi hoặc có các biểu hiện khác tùy vào cơ địa của từng đối tượng và mức độ bệnh.
Biến chứng của bệnh vẩy nến nghịch đảo
Vẩy nến nghịch đảo có thể gây ra nhiễm trùng cho vùng da bị tổn thương. Nguyên nhân là do:
- Những vùng da bị tổn thương thường có xu hướng xảy ra ở các vùng da mỏng và nhạy cảm trên cơ thể.
- Điều trị bệnh bằng các loại thuốc đặc trị có thể làm cho vùng da bị bệnh mỏng hơn, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Các vùng da có nhiều nếp gấp thường hay ẩm ướt, là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn và nấm gây bệnh.
Đặc biệt, khi vùng da bị bệnh có những vết thương hở thì khả năng bị nhiễm trùng sẽ tăng cao hơn và mức độ bệnh sẽ trầm trọng hơn.
II. Điều trị bệnh vẩy nến nghịch đảo
Tương tự như bệnh vẩy nến thông thường, tùy vào tình trạng bệnh và mục đích điều trị mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp thường được áp dụng có thể kể đến là:
1. Điều trị bằng thuốc
✧ Điều trị tại chỗ:
Sử dụng các loại kem bôi ngoài là cách chữa trị mà bạn cần phải áp dụng khi bị vẩy nến nghịch đảo. Mục đích của việc sử dụng phương pháp này là nhằm làm giảm đi tình trạng viêm nhiễm, da bị đỏ tại khu vực bị tổn thương.
Các loại kem steroid thường mang lại hiệu quả rất tốt trong việc giảm viêm nhưng chúng lại làm cho làn da của bạn bị mỏng đi. Bác sĩ sẽ theo dõi việc điều trị của bạn để có thể điều chỉnh liều lượng sử dụng cho kịp thời, tránh trường hợp mắc phải tình trạng trên. Nếu bạn quá nhạy cảm với loại thuốc này, những loại thuốc ức chế tại chỗ như tacrolimus, calcineurin… sẽ được chỉ định thay thế.
✧ Điều trị toàn thân:
Trong trường hợp sử dụng các loại thuốc điều trị tại chỗ hoặc áp dụng các biện pháp khác để điều trị mà không mang lại kết quả, các bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc có tác dụng toàn thân để bạn sử dụng. Những nhóm thuốc thường được dùng là thuốc sinh học và thuốc điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch. Trong đó các loại thuốc sinh học sẽ dùng protein để ức chế các phản ứng của hệ miễn dịch nhằm làm giảm những tác động xấu mà nó gây ra cho cơ thể.
Những loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Sandimmune, Methotrexate…
Vì các loại thuốc tây đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ. Do đó, bạn cần phải tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
2. Dùng laser Excimer trị vẩy nến nghịch đảo
Đây là phương pháp thường được áp dụng để chữa trị cho người bị các vấn đề về da liễu và những người mắc bệnh vẩy nến từ nhẹ cho đến trung bình. Laser Excimer là một liệu pháp ánh sáng, sử dụng tia sáng UVB có cường độ 308 nm để chiếu thẳng vào vùng da bị tổn thương nhằm mục đích cắt các triệu chứng của bệnh.
Sử dụng laser điều trị vẩy nến được xem là biện pháp an toàn và mang lại tác dụng tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp điều trị này và chúng cũng có thể gây ra các biến chứng khác nữa. Do đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn cần phải trao đổi kỹ với các bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.
Bên cạnh áp dụng các biện pháp chữa trị, để bệnh nhanh khỏi thì bạn cũng cần phải điều chỉnh lối sống của mình cho phù hợp. Từ bỏ những thói quen xấu, thay vào đó là các thói quen tốt sẽ giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh.