Đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh vảy nến triệt để. Nhưng với những biện pháp chăm sóc da đúng cách sẽ giúp bạn cải thiện các triệu chứng đáng kể.
Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính về da khá phổ biến, được hình thành do tế bào da tăng cường sản sinh. Thông thường, các tế bào da phát triển từ sâu bên trong rồi tiến dần ra ngoài bề mặt, sau đó rơi xuống để thay một lớp tế bào da mới. Chu trình này thường kéo dài trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, ở người bị bệnh vảy nến, quá trình này diễn ra nhanh hơn bình thường. Điều này khiến cho tế bào da cũ chưa kịp đào thải, tế bào da mới đã xuất hiện, kết vẩy, gây đỏ da, ngứa ngáy, khó chịu.
Giữ ẩm cho làn da
Da ở người bị vảy nến dễ dàng bị khô, ngứa, đỏ, đau, bong tróc nếu không duy trì đủ độ ẩm. Vì thế, dưỡng ẩm là giải pháp không thể thiếu trong liệu trình chăm sóc da bị vảy nến.
Nên lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp được căn cứ trên tình trạng da hiện tại. Một số loại kem dạng mỡ, dày có tác dụng khóa ẩm, còn những loại kem mỏng thường khiến da dễ hấp thu. Bạn cũng có thể chọn cho mình sản phẩm khóa ẩm tốt nhưng không quá dày để tránh cảm giác bết, rít da. Với tình trạng da bị tổn thương, dễ bị kích ứng, người bệnh nên chọn cho mình những sản phẩm dưỡng ẩm không có hương để tránh bị kích ứng.
Sau khi tắm, bôi một lớp kem mỏng, nhẹ. Vào những ngày thời tiết khô hanh, lạnh, nên bôi nhiều kem dưỡng hơn để tăng cường chức năng khóa ẩm, giữ ẩm cho da.
Bên cạnh đó, người bệnh vẩy nến nên đầu tư một máy tạo độ ẩm trong nhà, sử dụng hằng ngày, đặc biệt là khi không khí khô, hanh vì chúng sẽ giúp cân bằng độ ẩm cho da hiệu quả mà không gây kích ứng.
Tắm nước ấm hằng ngày giúp làm dịu da
Việc vệ sinh cơ thể hằng ngày bằng nước ấm với xà phòng có chất tẩy rửa nhẹ sẽ giúp làm dịu vết ngứa, loại bỏ lớp da khô, cải thiện tình trạng bong tróc vảy.
Nên thêm một ít tinh dầu, bột yến mạch mịn, muối Epson trong nước tắm. Không tắm nước nóng, không dùng xà phòng, chất tẩy rửa quá mạnh khi tắm. Tắm xong nên dùng khăn khô vỗ nhẹ, tránh chà xát mạnh lên da vì chúng có thể khiến cho tình trạng viêm loét, nhiễm khuẩn trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi tắm, lỗ chân lông đang nở to, nên bôi kem dưỡng ẩm ngay.
Thường xuyên tắm nắng
Tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời có thể làm chậm sự phát triển tế bào da. Do đó, tắm nắng là cách đơn giản và hữu hiệu trong việc làm dịu, điều trị tổn thương da do bệnh vảy nến.
Người bệnh vảy nến nên tắm nắng 2-3 lần mỗi tuần, bôi kem chống nắng để bảo vệ da khỏi những tác động tiêu cực từ ánh sáng mặt trời. Thời điểm tắm nắng thích hợp là từ 7 – 9 giờ sáng, tránh tiếp xúc với ánh nắng gắt vào buổi trưa, chiều vì điều này có thể làm tăng nguy bùng phát bệnh vẩy nến, ung thư da.
Mặc dù giải pháp quang trị liệu được nhiều tài liệu khoa học chứng minh về độ hiệu quả, nhưng bạn nên hỏi thăm chuyên gia trước khi áp dụng. Trong thời gian điều trị vẩy nến bằng giải pháp ánh sáng, người bệnh cũng cần kiểm tra da thường xuyên để chắc chắn không có vấn đề tiêu cực phát sinh.
Hạn chế căng thẳng
Nhiều nghiên cứu tìm thấy được mối liên hệ mật thiết giữa căng thẳng, stress với bệnh vẩy nến. Stress kéo dài có thể gây bùng phát triệu chứng của bệnh vẩy nến như ngứa, đỏ da, bong tróc vảy hoặc khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, giảm căng thẳng chính là một trong những biện pháp giúp đẩy lùi bệnh hiệu quả.
Người bệnh có thể giảm căng thẳng bằng cách: tâm sự với người thân, bạn bè; tập trung thời gian cho những điều mình yêu thích, tập yoga, thiền, hít thở sâu, đi bộ quanh nhà…
Hoặc, bạn cũng có thể giảm căng thẳng bằng những biện pháp như sau:
- Ăn uống lành mạnh.
- Uống nhiều nước.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc
Tránh gãi
Vảy nến xuất hiện trên da khiến cho nhiều người ngứa ngáy, muốn gãi để giảm bớt cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, gãi có thể khiến cho da của bạn dễ bị bong, rách, vùng da bị vảy nến lan rộng, tăng nguy cơ nhiễm trùng máu. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cắt móng tay, đồng thời dùng thêm một số thuốc kháng Histamine nếu tình trạng ngứa ngáy trở nên nghiêm trọng.
Có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh
Hiện tại, nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ, chỉ biết rằng bệnh có liên quan đến yếu tố gen và miễn dịch – tức yếu tố bên trong cơ thể. Do đó, ngoài những liệu pháp khắc phục triệu chứng bên ngoài da, người bệnh cũng cần phải chú ý để việc bổ sung chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể từ sâu bên trong.
Bác sĩ Carolyn Jacob, MD, giám đốc của Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ và Da liễu Chicago cho biết: Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ làm giảm viêm, kiểm soát bệnh vảy nến. Theo đó, người bệnh nên bổ sung hạt óc chó, cá hồi và các thực phẩm giàu axit béo omega-3 khác. Đây đều là thực phẩm giúp cân bằng nồng độ cholesterol trong cơ thể, cải thiện kết cấu da…
Tuyệt đối không hút thuốc lá hay uống rượu bia
Thuốc lá được xem là món “cấm kị” cho người bị bệnh vảy nến. Nicotin và một số tạp chất có trong khói thuốc lá có thể gây bùng phát hoặc khiến cho biểu hiện vảy nến trên da ngày càng nghiêm trọng hơn.
Không chỉ thuốc lá, uống nhiều rượu bia cũng không có lợi cho tình trạng vảy nến trên da, thậm chí, rượu có thể gây tác dụng phụ khi kết hợp với một số loại thuốc điều trị bệnh vảy nến. Nếu không cai được rượu, nên vạch ra giới hạn cho bản thân bằng cách chỉ uống 1 ly rượu mỗi ngày (đối với nữ giới) và 2 ly (nếu đối tượng mắc bệnh là nam).
Nhẹ nhàng với da
Người bệnh vảy nến nên hạn chế dùng những loại kem dưỡng da có chứa cồn, xà phòng có mùi, bột giặt, axit (glycolic, salicylic và axit lactic). Những vật dụng trên có thể gây kích ứng lên da, ảnh hưởng không tốt đến bệnh. Bên cạnh đó, nên chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát. Hạn chế mặc trạng phục làm từ chất liệu len, nỉ.
Trên đây là một số thông tin về cách chăm sóc da bị vảy nến, người bệnh cần thực hiện đều đặn và nghiêm túc để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.