Cái răng cái tóc là góc con người. Mái tóc chính là biểu tượng của vẻ đẹp. Tuy nhiên, có lẽ hầu hết mỗi người đều gặp phải ít nhất một trong bốn vấn đề liên quan đến tóc, bao gồm tóc bạc, tóc dễ bị rụng, tóc hư tổn và tóc bết. Nhìn chung, những tình trạng này đều gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của tóc, cũng như ngoại hình của bạn.
1. Tóc bạc
Một số người coi tóc bạc là một phong cách độc đáo giúp họ trông thật khác biệt với mọi người xung quanh, nhưng đối với những người khác, tóc bạc chính là dấu hiệu cho thấy họ đang già đi. Nhìn chung, mỗi cá nhân sẽ có cảm nhận và cái nhìn riêng về tóc bạc hay tóc trắng. Thực tế, tóc bạc là một quy luật tất yếu của quá trình lão hóa. Khi tuổi tác của bạn ngày càng cao, đặc biệt là bước sang độ tuổi trung niên, thì số lượng tóc bạc của bạn sẽ ngày một nhiều hơn.
Các nhà khoa học cũng đã đang vào cuộc và nỗ lực tìm kiếm những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tóc bạc. Có lẽ “hung thủ” hàng đầu chính là sự suy giảm sắc tố melanin. Thông thường, màu tóc được quyết định bởi những hắc sắc tố này, được sản xuất ra bởi các tế bào melanocyte trong nang tóc. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi các tế bào hắc tố phải chịu đựng những tổn thương được tích lũy trong một thời gian dài sẽ làm gián đoạn quá trình sản sinh ra melanin của những hắc tố này. Những tổn thương này bao gồm sự hư hại của DNA và sự tích tụ của hydrogen peroxide có trong các nang lông. Một khi không có đủ lượng melanin, sợi tóc mới mọc lên sẽ không có sắc tố, khiến tóc trông có màu xám, bạc hoặc trắng.
Tình trạng tóc bạc không chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi mà ngay cả những người ở độ tuổi thiếu niên cũng có thể xuất hiện chứng tóc bạc sớm. Điều này thường xảy ra do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình bạn có bố mẹ hoặc ông bà có tóc bạc từ sớm thì khả năng cao bạn cũng mắc phải tình trạng tương tự.
Nếu bạn không ưa thích màu tóc bạc, bạn có thể sử dụng các loại thuốc nhuộm tóc an toàn để che phủ đi những sợi tóc bạc “khó nhìn” này.
2. Tóc dễ bị rụng
Thông thường, tóc sẽ trải qua một chu kỳ phát triển đều đặn. Tóc sẽ phát triển trong giai đoạn anagen, thường kéo dài từ hai đến 6 năm, thậm chí lâu hơn. Sau đó, tóc sẽ ở trạng thái nghỉ ngơi trong giai đoạn telogen, thường kéo dài khoảng 3 tháng. Vào cuối giai đoạn telogen, tóc sẽ rụng xuống và được thay thế bởi tóc mới.
Mỗi ngày, một người sẽ bị rụng trung bình khoảng 100 sợi tóc. Tình trạng rụng tóc cũng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng thuốc hoặc mắc một số bệnh lý nhất định.
Khi tuổi tác ngày một cao, nam giới sẽ có xu hướng bị rụng tóc trên khu vực đỉnh đầu, cuối cùng để lại một vòng tóc hình móng ngựa xung quanh hai bên. Loại rụng tóc này được gọi là chứng hói đầu ở nam giới. Nó thường mang tính chất di truyền và được thúc đẩy bởi hormone nam giới – testosterone.
Đối với phụ nữ mắc chứng hói đầu, tình trạng rụng tóc sẽ có biểu hiện khác một chút. Tóc sẽ mỏng dần và rụng theo mảng trên khắp da đầu, nhất là đường ngôi rẽ chính giữa.
Ngoài ra, một số vấn đề rối loạn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng rụng tóc. Những người có tình trạng tự miễn dịch được gọi là chứng rụng tóc từng mảng có thể bị rụng tóc trên da đầu, cũng như trên các bộ phận khác của cơ thể. Bên cạnh đó, một số tình trạng sức khỏe khác cũng có thể gây rụng tóc nhiều, bao gồm:
- Nhiễm trùng nặng
- Sử dụng các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, NSAID, retinoid, thuốc chống đông, thuốc tránh thai
- Các phương pháp điều trị nội tiết tố khác, như thuốc cao huyết áp, hóa trị và xạ trị
- Đại phẫu
- Cường giáp hoặc suy giáp
- Các vấn đề nội tiết khác
- Căng thẳng nghiêm trọng
- Nhiễm nấm da đầu
- Các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như lupus
- Tiếp xúc với các loại hóa chất như thallium, asen và boron
- Mang thai và sinh con
- Thiếu máu do thiếu sắt
Hơn nữa, một số phương pháp chăm sóc tóc nhất định, chẳng hạn như buộc tóc đuôi ngựa, buộc tóc quá chặt, hoặc thường xuyên tẩy, uốn tóc cũng có thể dẫn đến chứng rụng tóc. Thậm chí một số người còn mắc một rối loạn kiểm soát xung động được gọi là hội chứng nghiện giật tóc (trichotillomania).
Đối với chứng rụng tóc liên quan đến việc sử dụng thuốc, khi bạn ngừng dùng thuốc sẽ ngăn ngừa tóc rụng thêm và cuối cùng tóc sẽ mọc trở lại. Tóc cũng có xu hướng mọc trở lại sau khi bạn điều trị khỏi tình trạng bệnh lý của mình, hoặc sau khi trải qua hóa trị và xạ trị điều trị ung thư.
Để che đi phần tóc bị rụng và đợi cho đến khi tóc mới mọc lại, bạn có thể sử dụng tóc giả hoặc đội mũ thường xuyên. Ngoài ra, cấy tóc cũng có thể là một giải pháp thay thế tóc lâu dài hơn.
Nếu tóc rụng theo kiểu nam và nữ thường sẽ không tự mọc lại, nhưng một số loại thuốc có thể giúp bạn làm chậm quá trình rụng tóc, thậm chí giúp tóc mọc trở lại. Những loại thuốc này bao gồm:
- Thuốc Minoxidil (Rogaine): là loại thuốc bôi ngoài da không kê đơn, dùng để điều trị rụng tóc cho cả nam và nữ.
- Thuốc Finasteride (Propecia): là loại thuốc viên kê đơn, chỉ dành cho nam giới.
- Tiêm cortisone cũng có thể giúp mọc tóc trở lại trong một số điều kiện nhất định.
Các phương pháp điều trị rụng tóc khác, bao gồm tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, sử dụng thiết bị ánh sáng mức độ thấp tại nhà, liệu pháp thay thế nội tiết tố (dành cho bệnh nhân tiền mãn kinh), và thuốc trung tính (thuốc hoặc chất lỏng uống như vitamin trước khi sinh).
3. Tóc hư tổn
Việc sấy khô, duỗi thẳng, nhuộm highlight hoặc uốn tóc thường xuyên có thể tàn phá tóc, khiến tóc trở nên giòn, dễ gãy rụng và hư tổn nặng nề. Nhìn chung, tình trạng tóc xơ, khô cứng và tóc chẻ ngọn là kết quả của việc tạo kiểu tóc quá nhiều lần.
Tình trạng tóc chẻ ngọn do tạo kiểu nhiều xảy ra khi lớp bảo vệ bên ngoài cùng của tóc (lớp biểu bì) bị tổn thương và bong tróc. Để điều trị cho tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Khi chải tóc, nên sử dụng lược chải tóc có độ mềm và dẻo phù hợp, tuyệt đối không chải tóc quá mạnh bạo.
- Lau khô tóc bằng khăn một cách nhẹ nhàng
- Sử dụng dầu xả và ủ tóc khoảng một lần/tuần
Ngoài ra, tóc thường cần đến một độ ẩm và một lượng dầu nhất định để giữ cho tóc luôn khỏe mạnh. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến khô tóc, bao gồm:
- Sử dụng dầu gội đầu có hóa chất tẩy rửa mạnh
- Gội đầu quá thường xuyên
- Tóc phải tiếp xúc thường xuyên với nắng, gió và không khí khô
- Bạn sấy tóc quá mức hoặc sử dụng máu uốn tóc nhiều lần
- Sử dụng thuốc nhuộm tóc
- Tóc không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu
- Sử dụng một số loại thuốc nhất định
Để giữ cho tóc luôn có một độ ẩm nhất định, bạn có thể áp dụng một sộ mẹo nhỏ sau đây:
- Không nên gội đầu hàng ngày, trừ khi bạn đang gặp phải các vấn đề về da đầu, chẳng hạn như nhiều gàu, cần phải gội đầu hàng ngày để kiểm soát.
- Khi gội đầu, bạn nên lựa chọn sử dụng loại dầu gội dịu nhẹ, tự nhiên, có khả năng cung cấp độ ẩm cho tóc. Bên cạnh đó, sử dụng dầu xả thường xuyên.
- Hạn chế sấy khô tóc, hoặc các công cụ duỗi tóc, uốn tóc có nhiệt độ cao.
- Hạn chế nhuộm hoặc uốn tóc
- Đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài
4. Tóc bết
Trên da đầu của chúng ta có có chứa một loại dầu tự nhiên, được gọi là bã nhờn, được sản xuất ra bởi các tuyến bã nhờn, giúp da đầu luôn có một độ ẩm nhất định. Đôi khi, những tuyến bã nhờn này hoạt động quá mức khiến tiết ra nhiều dầu nhờn trên da đầu, dẫn đến tình trạng tóc bết.
Tình trạng tóc bết thường trông hơi xỉn mảu, mềm ướt và thiếu sức sống, đem lại cảm giác vô cùng khó chịu. Để loại bỏ được tình trạng này, bạn có thể thử sử dụng các loại dầu gội với công thức đặc biệt dành riêng cho việc kiểm soát bã nhờn trên da đầu.