Dị ứng thực phẩm là một trong số những vấn đề ảnh hưởng đến nhiều người trong cộng đồng, và đôi khi cần đến sự trợ giúp y tế. Trên thực tế, chúng ảnh hưởng đến khoảng 5% người lớn và 8% trẻ em – và con số này đang tăng lên. Mặc dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, nhưng thống kê sẽ chỉ ra rằng có những thực phẩm dễ gây dị ứng hơn so với những loại khác.
1. Dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm là tình trạng một số loại thực phẩm kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường khi đi vào cơ thể. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch nhận diện sai một số protein trong thực phẩm là có hại. Sau đó, nó khởi động một loạt các biện pháp bảo vệ, bao gồm giải phóng các hóa chất trung gian như histamin và các chất gây viêm. Đối với những người bị dị ứng thực phẩm, ngay cả khi tiếp xúc với một lượng rất nhỏ thực phẩm cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Các triệu chứng khi bị dị ứng thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào, từ vài phút sau khi tiếp xúc đến vài giờ sau đó. Các biểu hiện nghi ngờ có thể bao gồm một số trường hợp sau:
- Sưng lưỡi, miệng hoặc mặt
- Khó thở
- Huyết áp thấp
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Phát ban ngứa
Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, dị ứng thức ăn có thể gây ra sốc phản vệ. Lúc này, các triệu chứng có xu hướng biểu hiện rất nhanh, bao gồm phát ban ngứa, phù nề niêm mạc cổ họng hoặc lưỡi, khó thở và huyết áp thấp. Sốc phản vệ nếu không được xử trí kịp thời có thể gây tử vong.
Nhiều người không dung nạp thực phẩm thường bị nhầm với dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, không dung nạp thực phẩm không bao giờ liên quan đến các phản ứng của hệ thống miễn dịch. Điều này có nghĩa là mặc dù chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, nhưng không dung nạp thực phẩm không đe dọa đến tính mạng.
2. Các loại dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm thực sự có thể được chia thành 2 loại chính: dị ứng thông qua kháng thể IgE hoặc dị ứng thông qua kháng thể không IgE. Kháng thể được định nghĩa là một loại protein trong máu được hệ thống miễn dịch của bạn sử dụng để nhận biết và chống lại nhiễm trùng. Trong dị ứng thực phẩm thông qua IgE, kháng thể IgE được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch của bạn. Trong trường hợp dị ứng thực phẩm không phải IgE, các kháng thể IgE không được giải phóng mà các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch được sử dụng để chống lại mối nguy hiểm được nhận biết thông qua hệ thống miễn dịch.
Dưới đây là những loại thực phẩm dễ gây dị ứng.
2.1 Sữa bò
Dị ứng với sữa bò thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là khi chúng tiếp xúc với protein sữa bò trước khi chúng được 6 tháng tuổi. Đây là một trong những bệnh dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến 2-3% trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Tuy nhiên, khoảng 90% trẻ em sẽ hết bệnh khi lên 3 tuổi, điều này khiến cho bệnh này ít phổ biến hơn ở người lớn.
Dị ứng sữa bò thông qua kháng thể IgE và kháng thể không IgE. Nhưng dị ứng sữa bò thông qua IgE vừa phổ biến vừa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nhất. Trẻ em hoặc người lớn bị dị ứng IgE có xu hướng phản ứng trong vòng 5–30 phút sau khi uống sữa bò. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp bao gồm phù mặt, phát ban trên da, nổi mề đay, nôn mửa, thậm chí có thể dẫn tới sốc phản vệ. Dị ứng không phải IgE thường có nhiều triệu chứng liên quan đến đường ruột hơn như nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy, cũng như viêm thành ruột. Dị ứng sữa không IgE có thể khó chẩn đoán hơn. Điều này là do đôi khi các triệu chứng có thể gợi ý tình trạng không dung nạp và không có xét nghiệm máu đặc hiệu để phát hiện.
Nếu trẻ được chẩn đoán dị ứng sữa bò, cách điều trị duy nhất là không uống sữa bò và các loại thực phẩm có chứa chất này như sữa bột, phô mai, bơ thực vật, sữa chua, kem. Các bà mẹ đang cho con bú có trẻ bị dị ứng cũng nên loại bỏ sữa bò và thực phẩm có chứa sữa bò khỏi chế độ ăn của mình. Đối với những trẻ không bú sữa mẹ, chuyên gia y tế sẽ khuyến nghị một giải pháp thay thế phù hợp. Trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng bị dị ứng đạm sữa bò phổ biến nhất. Chẩn đoán dị ứng sữa bò có nghĩa là phải tránh tất cả các loại sữa và các sản phẩm từ sữa.
2.2 Trứng
Trứng là nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm phổ biến thứ 2 ở trẻ em. Tuy nhiên, 68% trẻ em bị dị ứng với trứng sẽ biểu hiện tình trạng dị ứng khi chúng 16 tuổi. Các triệu chứng bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng
- Phản ứng da, chẳng hạn như phát ban
- Vấn đề về đường hô hấp
- Sốc phản vệ (hiếm gặp)
Điều thú vị là một người có thể chỉ bị dị ứng với lòng trắng trứng nhưng không phải lòng đỏ và ngược lại. Nguyên nhân là do cấu trúc protein của lòng đỏ và lòng trắng trứng không giống nhau. Hầu hết các protein gây dị ứng được tìm thấy trong lòng trắng trứng, do đó, dị ứng lòng trắng trứng phổ biến hơn. Giống như các bệnh dị ứng khác, cách điều trị dị ứng trứng là tuân thủ một chế độ ăn không có trứng. Tuy nhiên, bạn có thể không phải tránh tất cả các thực phẩm liên quan đến trứng, vì việc đun nóng trứng có thể làm thay đổi hình dạng của các protein gây dị ứng. Điều này có thể ngăn hệ miễn dịch của cơ thể xem chúng là có hại, có nghĩa là chúng ít có khả năng gây ra phản ứng.
Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% trẻ em bị dị ứng trứng có thể ăn bánh quy hoặc bánh ngọt có thành phần từ trứng được nấu chín. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giới thiệu bánh nướng cho trẻ bị dị ứng trứng có thể rút ngắn thời gian để trẻ khỏi bệnh. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả mọi người và hậu quả của việc ăn phải trứng khi bạn bị dị ứng với chúng có thể rất nghiêm trọng. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng lại bất kỳ loại thực phẩm nào có chứa trứng.
2.3 Quả hạch
Dị ứng hạt cây là dị ứng với một số loại hạt và hạt có nguồn gốc từ cây cối. Đây là một chứng dị ứng thực phẩm rất phổ biến được cho là ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số Hoa Kỳ. Một số ví dụ về các loại hạt cây bao gồm: Quả hạch, Hạt điều, hạt thông, quả óc chó.
Những người bị dị ứng hạt cây thường cũng sẽ bị dị ứng với các thực phẩm được làm từ các loại hạt này, chẳng hạn như bơ hạt và dầu. Họ được khuyên nên tránh tất cả các loại hạt cây, ngay cả khi họ chỉ bị dị ứng với 1 hoặc 2 loại. Điều này là do dị ứng với một loại hạt cây làm tăng nguy cơ bị dị ứng với các loại hạt cây khác. Ngoài ra, việc tránh ăn tất cả các loại hạt sẽ dễ thực hiện hơn, thay vì chỉ 1 hoặc 2 loại.
Không giống như một số bệnh dị ứng khác, dị ứng với hạt cây thường kéo dài suốt đời. Dị ứng cũng có thể rất nghiêm trọng, và dị ứng hạt cây là nguyên nhân gây ra khoảng 50% số ca tử vong do sốc phản vệ. Do đó, những người bị dị ứng hạt (cũng như các loại dị ứng có thể đe dọa tính mạng khác) được khuyên nên mang theo bút tiêm chống phản vệ bên mình mọi lúc mọi nơi. Bút tiêm là một thiết bị có khả năng cứu mạng, cho phép những người bị dị ứng tự tiêm một mũi adrenaline nếu họ bắt đầu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Adrenaline là một loại hormone sản sinh tự nhiên kích thích phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của cơ thể khi căng thẳng. Khi được tiêm cho những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nó có thể đảo ngược tác động của phản ứng dị ứng và giữ tính mạng được an toàn.
Tóm lại, dị ứng hạt cây là một trong những dị ứng thực phẩm phổ biến nhất. Nó thường liên quan đến các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và việc điều trị thường là tránh suốt đời đối với tất cả các loại hạt cây và các sản phẩm từ hạt cây.
2.4 Đậu phộng
Giống như dị ứng hạt cây, dị ứng đậu phộng rất phổ biến và có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong. Tuy nhiên, 2 tình trạng này được xem là khác biệt, vì đậu phộng là một cây họ đậu. Tuy nhiên, những người bị dị ứng đậu phộng cũng thường bị dị ứng với các loại hạt cây. Mặc dù lý do khiến mọi người bị dị ứng đậu phộng chưa được biết đến, nhưng người ta cho rằng tiền sử gia đình bị dị ứng đậu phộng là yếu tố nguy cơ rõ ràng nhất. Do đó, trước đây người ta cho rằng việc đưa đậu phộng vào chế độ ăn của bà mẹ đang cho con bú hoặc trong thời kỳ cai sữa có thể gây dị ứng đậu phộng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đưa đậu phộng sớm vào cơ thể thực sự có tác dụng bảo vệ.
Dị ứng đậu phộng ảnh hưởng đến khoảng 4-8% trẻ em và 1–2% người lớn. Tuy nhiên, khoảng 15–22% trẻ em bị dị ứng đậu phộng sẽ tự khỏi khi chúng bước sang tuổi thiếu niên. Giống như các bệnh dị ứng khác, dị ứng đậu phộng được chẩn đoán bằng cách kết hợp tiền sử bệnh nhân, xét nghiệm lẩy da, xét nghiệm máu. Hiện tại, cách điều trị hiệu quả duy nhất là tránh hoàn toàn đậu phộng và các sản phẩm có chứa đậu phộng. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị mới vẫn đang được phát triển
Dị ứng đậu phộng là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Điều trị là tránh ăn đậu phộng và các sản phẩm có chứa đậu phộng suốt đời.
2.5 Lúa mì
Dị ứng lúa mì là một tình trạng dị ứng gây ra do nhiều loại protein khác nhau có trong lúa mì. Trẻ em thường gặp dị ứng lúa mì nhiều nhất. Giống như các bệnh dị ứng khác, dị ứng lúa mì có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nổi mề đay, nôn mửa, phát ban, sưng tấy, có thể gây sốc phản vệ và đe dọa tính mạng.
Những người bị dị ứng lúa mì chỉ cần tránh ăn lúa mì và có thể dung nạp gluten từ các loại ngũ cốc không chứa lúa mì. Dị ứng lúa mì thường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm chích da. Cách điều trị hiệu quả nhất là không sử dụng lúa mì và các thực phẩm làm từ lúa mì. Điều này có nghĩa là tránh các loại thực phẩm, cũng như các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm có chứa lúa mì.
2.6 Đậu nành
Dị ứng đậu nành xuất hiện ở khoảng 0,4% trẻ em và phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Phản ứng dị ứng được kích hoạt bởi một loại protein trong đậu nành hoặc các sản phẩm có chứa đậu nành.
Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa miệng và chảy nước mũi, phát ban và hen suyễn hoặc khó thở. Trong một số trường hợp hiếm hoi, dị ứng đậu nành cũng có thể gây ra sốc phản vệ. Một số trẻ dị ứng với đậu nành cũng dị ứng với đạm sữa bò. Sữa đậu nành và nước tương là hai loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng. Vì đậu nành là nguyên liệu được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau nên điều quan trọng là phải đọc nhãn ghi thành phần thực phẩm. Giống như các bệnh dị ứng khác, cách điều trị dị ứng đậu nành duy nhất là tránh ăn đậu nành.
2.7 Cá
Dị ứng cá rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 2% người lớn. Không giống như các bệnh dị ứng khác, dị ứng cá không phải là hiếm, với 40% số người bị dị ứng khi trưởng thành. Dị ứng cá cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong. Các triệu chứng chính là nôn mửa và tiêu chảy, nhưng trong một số ít trường hợp, phản vệ cũng có thể xảy ra. Điều này có nghĩa là những người bị dị ứng với cá thường được cấp một bút tiêm để mang theo trong trường hợp họ bị bắt ăn cá.
Bởi vì các triệu chứng có thể tương tự nhau, dị ứng cá đôi khi bị nhầm lẫn với phản ứng với chất gây ô nhiễm trong cá, chẳng hạn như vi khuẩn, vi rút hoặc độc tố. Hơn nữa, vì động vật có vỏ và cá có vây không mang cùng một loại protein nên những người bị dị ứng với động vật có vỏ có thể không bị dị ứng với cá.