Viêm xoang có hai cấp độ chính là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính. Dù ở trạng thái nào, viêm xoang vẫn có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe. Ở bài viết này, bạn đọc sẽ được cung cấp một số biến chứng viêm xoang phổ biến.
1. Tìm hiểu thông tin chung về bệnh viêm xoang
Viêm xoang là khái niệm dùng để chỉ tình trạng viêm của các niêm mạc lót xoang bên trong mũi, gây ra tình trạng sưng tấy, phù nề và làm tắc nghẽn xoang. Đây chính là điều kiện vô cùng lý tưởng để các loại vi khuẩn có hại sinh trưởng – phát triển và tạo ra dịch mủ trong xoang. Khi lượng dịch mủ này không có cách nào thoát ra bên ngoài, chúng sẽ tích tụ trong xoang và gây đau nhức xoang.
Bệnh nhân viêm xoang thường có các triệu chứng như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi thường xuyên, đau nhức ở đầu và xoang, các vùng quanh xoang như hàm, mắt… Tùy theo vị trí, viêm xoang thường được chia thành các loại như sau:
- Viêm xoang sàng : đau nhức và cảm thấy áp lực nặng nề ở phía sau của hai hốc mắt, gần gáy và sâu bên trong đầu.
- Viêm xoang trán: đau nhức ở phần trán ở giữa và cao trên vị trí của mũi và hai mắt.
- Viêm xoang hàm: phần xương hàm và răng bị đau nhức kèm theo đau đầu.
- Viêm xoang bướm: còn được gọi là viêm xoang mắt, xảy ra khi bệnh nhân bị đau nhức và cảm giác áp lực nặng ở hai mắt và trên đỉnh đầu.
Theo thời gian diễn biến của bệnh, viêm xoang có thể chia thành nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là:
- Viêm xoang cấp tính: thông thường bệnh kéo dài tối đa 4 tuần và có triệu chứng ban đầu diễn ra nặng nề và đột ngột, có thể tái phát nhiều lần mỗi năm.
- Viêm xoang mãn tính: tình trạng bệnh kéo dài lâu hơn 12 tuần bởi bệnh nhân không có phương án xử lý viêm xoang cấp tính kịp thời và đúng cách, khó chữa dứt điểm và hồi phục như ban đầu.
2. Bác sĩ giải đáp câu hỏi biến chứng của viêm xoang có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có. Theo giải đáp từ các bác sĩ, biến chứng viêm xoang thường là những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Trong đó, một số biến chứng đáng chú ý là tình trạng viêm đường hô hấp (bao gồm viêm họng hay viêm phế quản), các biến chứng viêm xoang mắt, các biến chứng ở não như áp xe não, viêm màng não…Tuy nhiên, không phải ai bị viêm xoang cũng sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm trên. Theo thống kê, bệnh nhân bị mắc viêm xoang có kèm thêm hội chứng suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh mãn tính khác, bị lệch vách ngăn mũi, bị nhiễm khuẩn Staphylococcus, cầu khuẩn Streptococcus… có nguy cơ cao mắc các biến chứng viêm xoang nếu không có can thiệp y tế kịp thời.
3. Tổng hợp các biến chứng viêm xoang nguy hiểm cần lưu ý
Biến chứng viêm xoang được chia thành nhiều nhóm khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị viêm xoang:
3.1. Biến chứng của viêm mũi xoang
Các biến chứng do viêm xoang ở mũi thường là biến chứng liên quan đến sức khỏe của đường hô hấp, thường ít nghiêm trọng, bao gồm viêm họng, viêm phế quản cấp / mãn tính hay viêm thanh quản…
3.2. Biến chứng viêm xoang mắt thường là gì?
Kiểu viêm xoang bướm (hay viêm xoang mắt) thường gây ra các biến chứng nguy hiểm ở mắt, trong đó đáng chú ý là:
- Viêm ổ mắt: phần ổ mắt gần xoang dễ bị viêm ở người bị viêm xoang, triệu chứng xuất hiện đột ngột và tương đối nghiêm trọng, bao gồm nhức đầu, nghẹt mũi, sưng mí mắt và bị lồi nhãn cầu ra ngoài, đau mắt dữ dội… Biến chứng này có thể điều trị dứt điểm nhờ các can thiệp nội khoa.
- Áp xe mí mắt: một bọc mủ (thường gọi là áp xe) sẽ hình thành ở khu vực mí mắt, khiến mí mắt sưng tấy và đau đớn, nóng đỏ. Túi áp xe này sau khoảng 4 – 5 ngày sẽ vỡ, nếu như không được xử lý tốt, mí mắt có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
- Viêm túi lệ: tương tự như ở mí mắt, tình trạng viêm xoang cũng có thể gây ra sự hình thành áp xe và làm viêm túi lệ.
- Viêm dây thần kinh thị giác phía sau nhãn cầu: một biến chứng viêm xoang mắt nguy hiểm khác chính là vấn đề viêm dây thần kinh thị giác ở phía sau nhãn cầu với biểu hiện cụ thể là sự suy giảm thị lực nhanh chóng, tuy nhiên bệnh nhân có thể hồi phục lại thị lực sau vài tuần. Trong trường hợp bị viêm xoang mãn tính, biến chứng này sẽ khiến tầm mắt của bệnh nhân luôn bị phủ mờ một màu sương và khiến bệnh nhân nhạy cảm đặc biệt với ánh sáng, màu sắc không thể phân biệt rõ ràng…
3.3. Biến chứng viêm xoang tại khu vực não bộ
Biến chứng viêm xoang nguy hiểm hàng đầu chính là các biến chứng liên quan đến não bộ của con người, đặc biệt phổ biến là:
- Nhiễm trùng não: khi không điều trị kịp thời và dứt điểm tình trạng viêm xoang, các viêm nhiễm sẽ lan rộng đến các tế bào não và mô xung quanh của bộ não, gây ra tình trạng co giật và tổn thương nghiêm trọng, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong.
- Viêm màng não, áp xe não… là các biến chứng viêm xoang nguy hiểm khác ở não, gây ra tình trạng mất thính giác và đột quỵ, có thể gây ra các tổn thương tổn vĩnh viễn ở não, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Dấu hiệu nhận biết sớm các biến chứng viêm xoang ở não bộ bao gồm:
- Đau đầu và sốt nhẹ, thường xuyên cảm thấy cứng căng phần cổ và buồn nôn.
- Sức khỏe tâm thần bất thường, có sự chuyển biến đột ngột.
- Một hoặc một vài bộ phận trên cơ thể không thể hoạt động.
3.4. Viêm tai giữa do viêm mũi xoang
Một trong những biến chứng của viêm mũi xoang phổ biến nhất là các vấn đề ở tai, vì khoang mũi và tai có sự lưu thông với nhau, khiến dịch mủ ở mũi có thể nhanh chóng lan đến phần tai. Trong đó, viêm tai giữa là biến chứng ở tai thường gặp nhất do viêm xoang. Nếu như không phát hiện và can thiệp kịp thời bằng các biện pháp y tế, viêm tai giữa có thể khiến bệnh nhân bị điếc bởi áp lực của dịch mủ có thể làm thủng màng nhĩ.
3.5. Viêm xoang gây ra biến chứng ở xương
Biến chứng viêm xoang nguy hiểm khác là tình trạng viêm tủy xương, có thể gặp ở cả bệnh viêm xoang cấp tính lẫn mãn tính. Vi khuẩn từ khu vực viêm nhiễm trong xoang có thể đi theo đường mạch máu lan đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là xương. Tình trạng này rất khó được điều trị dứt điểm, thường phải tiêm tĩnh mạch kéo dài.
4. Điều trị bệnh viêm xoang như thế nào?
Đối với viêm xoang cấp tính, cách phổ biến nhất là các toa thuốc kháng sinh kéo dài từ 2 đến 3 tuần tùy theo tình trạng bệnh. Một số loại kháng sinh thường dùng đối với bệnh viêm xoang bao gồm cefurodate, moxifloxacin, gatifloxacin…
Viêm xoang mãn tính tương đối khó điều trị, cần kết hợp kháng sinh với các biện pháp điều trị bổ trợ và phẫu thuật. Trong đó, điều trị bổ trợ viêm xoang thường là các biện pháp:
- Xịt mũi bằng các loại thuốc xịt thông mũi như oxymetazoline, pseudoephedrine, guaifenesin… làm giảm tình trạng nghẹt mũi hoặc sổ mũi.
- Thường xuyên rửa sạch mũi bằng nước muối.
- Corticosteroid sẽ được chỉ định khi tình trạng viêm xoang được chẩn đoán là mãn tính. Ngoài ra, thuốc cũng được dùng kèm với viêm mũi dị ứng và polyp mũi.
Có thể nói, biến chứng viêm xoang có nhiều mức độ, tuy nhiên nhìn chung đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, khi phát hiện bản thân bị bệnh viêm xoang, bạn cần nhanh chóng tìm phương pháp điều trị dứt điểm càng sớm càng tốt.