Bệnh hen suyễn ở người lớn có nguy cơ tử vong do các biến chứng liên quan cao gấp 4 lần so với người trẻ tuổi. Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, bạn cũng cần biết cách phòng tránh các nguyên nhân gây hen suyễn.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hen suyễn là nguyên nhân gây ra khoảng 10 ca tử vong mỗi ngày tại Hoa Kỳ. Bệnh hen suyễn làm cho đường hô hấp bị kích thích, thu hẹp lại và thường dẫn đến khó thở. Vậy, tại sao bị hen suyễn và nguyên nhân khiến bạn bị hen suyễn là gì? Hãy cùng Thuanmoc.vn đi tìm hiểu 6 nguyên nhân gây hen suyễn để kịp thời phòng ngừa nhé!
1. Nguyên nhân gây hen suyễn do thuốc lá
Tình trạng tiếp xúc với khói thuốc lá trực tiếp có thể gây kích ứng đường thở, làm cho những người mắc bệnh hen suyễn sẽ gặp phải các triệu chứng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Đối với bất kỳ người hút hay không hút, khói thuốc và hóa chất còn sót lại có thể khiến những người xung quanh hít phải và đi vào trong phổi.
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, trẻ em có mẹ hút thuốc lá khi mang thai có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn những đứa trẻ bình thường. Thuốc lá tuy không trực tiếp gây nên hen suyễn, nhưng nếu bạn tiếp xúc với khói thuốc đều có thể kích thích các triệu chứng, gây ra cơn hen bộc phát.
2. Do béo phì
Các bác sĩ chưa chắc chắn rằng liệu béo phì có thật sự liên quan đến bệnh hen suyễn hay không. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên 1.000 người đã cho thấy, người bệnh hen suyễn bị béo phì có nguy cơ bộc phát cơn hen cấp tính cao gấp 5 lần so với người bệnh hen suyễn nhưng có cân nặng bình thường.
Tình trạng béo phì có thể làm tăng số lượng các yếu tố viêm, ví dụ như số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể. Điều này có thể gây viêm và kích ứng đường thở. Theo các chuyên gia, các chức năng phổi ở những người béo phì thường kém, làm hạn chế khả năng hô hấp và gây tắc nghẽn đường dẫn khí. Ngoài ra, béo phì còn góp phần làm cho các cơn hen suyễn dễ dàng bộc phát.
Béo phì tuy không là nguyên nhân gây hen suyễn trực tiếp, nhưng đóng vai trò trung gian gây ra chứng bệnh này. Vì thế bạn cần có chế độ ăn kiêng và tập luyện lành mạnh để ngăn ngừa bệnh hen suyễn và các bệnh tiềm ẩn khác như tim mạch, tiểu đường…
3. Nguyên nhân gây hen suyễn do không khí ô nhiễm
Những người sống ở khu vực thành thị, nơi có nhiều khói thuốc và khói bụi, có nguy cơ cao mắc phải bệnh hen suyễn. Nghiên cứu công bố ở Anh cho biết, không khí ô nhiễm chính là nguyên nhân gây hen suyễn và đau tim. Bên cạnh đó, chất độc trong không khí còn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tập trung ở trẻ em.
Ozone – một thành phần chính làm ô nhiễm không khí, có thể kích hoạt các triệu chứng ở người bị bệnh hen suyễn như thở khò khè và khó thở. Khí ozone có thể tích tụ dưới tầng khí quyển thấp tạo nên mây, sương mù hoặc không khí ô nhiễm.
Vì thế, nồng độ ozone trong không khí tăng cao có thể khiến người bệnh hen suyễn tăng nguy cơ nhập viện. Ngoài ra, khói bụi còn có chứa sulfur dioxide, có thể gây kích ứng đường thở và kích hoạt các cơn hen suyễn.
4. Nguyên nhân bị hen suyễn do nghề nghiệp
Hen suyễn do phơi nhiễm nghề nghiệp là tình trạng do một yếu tố có hại trong công việc là nguyên nhân gây hen suyễn hoặc khiến bệnh trở nặng. Những nghề nghiệp có nguy cơ cao mắc phải bệnh hen suyễn bao gồm:
- Giáo viên
- Nhân viên y tế
- Nhân viên vệ sinh
- Người chăm sóc động vật
- Công nhân làm việc nhà máy
- Nông dân sử dụng thuốc trừ sâu
Các yếu tố tại nơi làm việc có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn bao gồm dị nguyên, chất kích thích, môi trường ẩm ướt, nhiệt độ cao… Các chất kích thích như chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, khói, bụi có thể làm các triệu chứng hen trở nên trầm trọng hơn. Có khoảng 25 – 50% người bệnh hen suyễn có các cơn hen kịch phát với triệu chứng liên quan đến nghề nghiệp bao gồm các triệu chứng khò khè, ho, tức ngực và khó thở.
5. Nguyên nhân bệnh hen suyễn do dị ứng
Các tác nhân gây dị ứng như vẩy da động vật, mốc, mạt nhà, phấn hoa… có thể kích hoạt và là nguyên nhân gây hen suyễn. Dị ứng và hen suyễn là tình trạng về hệ hô hấp mãn tính phổ biến có thể gây ra các triệu chứng như ho và viêm đường thở. Tình trạng dị ứng cũng có thể làm bệnh hen suyễn trầm trọng hơn, cụ thể như viêm mũi dị ứng cũng làm tăng nguy cơ bị hen suyễn.
Bạn nên hạn chế ra ngoài vào ngày khô, nhiều gió, mùa hoa rụng, cẩn thận chú ý nếu nhà có nuôi động vật… để tránh nguy cơ mắc phải hay bộc phát cơn hen suyễn. Đồng thời nên tránh các thực phẩm có thể gây dị ứng và thảo luận cùng bác sĩ nếu sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ trên đường hô hấp.
6. Do nhiễm trùng hô hấp
Trẻ em mắc bệnh hen suyễn kèm theo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp phải triệu chứng khò khè, khó thở. Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh, đường thở bị khò khè có thể dẫn đến các triệu chứng hen suyễn. Cách tốt nhất để phòng tránh lây nhiễm là rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Nếu gặp phải bất kỳ tình trạng nhiễm trùng hô hấp nào, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra tình trạng sức khỏe đầy đủ, tránh tự ý mua thuốc.
Các cơn hen suyễn nặng có khả năng đe dọa tính mạng. Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu cơn hen nặng, bạn cần được hỗ trợ ngay lập tức, các dấu hiệu cấp cứu hen bao gồm:
- Đột ngột khó thở hoặc thở khò khè
- Khó thở ngay cả khi cơ thể không hoạt động
- Không có dấu hiệu cải thiện khi đã sử dụng thuốc giãn phế quản, chẳng hạn như albuterol
Bệnh hen suyễn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn và gây ra tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng. Vì thế, việc nhận biết các yếu tố rủi ro và các nguyên nhân gây hen suyễn có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn hãy thảo luận cùng bác sĩ để được tư vấn về cách kiểm soát bệnh và sử dụng phác đồ thuốc điều trị phù hợp.