Khi nhận biết nguyên nhân viêm xoang, bạn sẽ có thể phòng ngừa được các triệu chứng đau nhức khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây cũng là cơ sở để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả giúp bạn nhanh hồi phục.
Bệnh viêm xoang (sinusitis) hay còn gọi là nhiễm trùng xoang, thường xuất hiện do cảm lạnh hoặc dị ứng. Các cơn viêm xoang cấp tính kéo dài 10 ngày đến 4 tuần có thể do virus hoặc vi khuẩn. Viêm xoang cùng các triệu chứng kéo dài từ 12 tuần trở lên, được gọi là viêm xoang mạn tính. Bệnh viêm xoang mạn tính thường do tình trạng viêm tiến triển, dị ứng, kích thích, nhiễm nấm…
Bạn hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây viêm xoang và cách điều trị viêm xoang nhé!
Nguyên nhân viêm xoang
Nguyên nhân viêm xoang được chia thành 2 nhóm bao gồm:
Nguyên nhân viêm xoang cấp tính
Nguyên nhân viêm xoang cấp tính thường xảy ra do nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh, dị ứng gây viêm, tắc nghẽn trong đường mũi và xoang. Lượng chất nhầy dư thừa tắc nghẽn sẽ gây áp lực và đau trong mũi. Sự tích tụ của dịch nhầy trong mũi gây cản trở luồng không khí gây khó thở và tạo môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn.
Các nguyên nhân viêm xoang cấp tính phổ biến bao gồm:
• Virus: Virus có thể làm tê liệt hoặc thậm chí phá hủy lông mao khiến chúng không thể di chuyển chất nhầy ra khỏi mũi, gây tắc nghẽn.
• Vi khuẩn: Khi các lỗ xoang bị tắc nghẽn và chất nhầy bị nhiễm trùng không thể di chuyển ra khỏi cơ thể hoặc chảy xuống cổ họng, sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Các vi khuẩn sẽ tạo môi trường axit trong xoang, làm tê liệt thêm lông mao, làm cho màng nhầy sưng lên nhiều hơn và các lỗ xoang càng trở nên tắc nghẽn hơn.
• Nấm: Nấm có thể xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn hoặc hít trong không khí. Khi vào cơ thể, nấm có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và làm nặng thêm các xoang mũi.
• Xì mũi: Khi bạn xì mũi quá nhiều hoặc quá mạnh có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn.
• Lặn có bình khí: Hoạt động này có thể tạo ra áp lực trong xoang mũi, khiến cho vi khuẩn phát triển.
• Dị vật bên ngoài: Trẻ nhỏ đôi khi có thể đưa đồ vật vào lỗ mũi, khiến vi khuẩn xâm nhập vào xoang mũi.
• Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của màng nhầy trong xoang mũi.
• Vấn đề về răng: Trong những trường hợp hiếm gặp, các vấn đề về chân răng có thể gây nhiễm trùng xoang hàm trên trong xương gò má.
Nguyên nhân viêm xoang cấp tính thường là do cơn cảm lạnh kéo dài quá lâu và tiến triển thành nhiễm trùng. Bạn cần phải điều trị viêm xoang cấp tính sớm để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
Viêm xoang cấp tính có nghĩa là các triệu chứng của tình trạng mang tính tạm thời, thường kéo dài không quá 30 ngày. Tuy nhiên, các triệu chứng của viêm xoang cấp thường nghiêm trọng và đau đớn hơn so với các triệu chứng của viêm xoang mạn tính.
Nguyên nhân viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn tính thường là sự kết hợp của các tình trạng sưng do dị ứng, nấm, vi khuẩn hoặc virus. Bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của màng nhầy đều có thể gây ra các triệu chứng khó chịu. Khi chất nhầy bị tắc nghẽn lại trong xoang mũi sẽ tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.
Nguyên nhân viêm xoang mãn tính có thể bao gồm:
• Dị ứng: Hầu hết mọi thứ xung quanh đều cũng có thể khiến bạn bị dị ứng. Tuy nhiên, các chất gây dị ứng phổ biến nhất là các hạt trong không khí, thực phẩm, động vật và vải. Nếu nguyên nhân do thực phẩm, vải hoặc động vật, bạn chỉ cần hạn chế tiếp xúc tác nhân gây dị ứng. Nếu chất gây dị ứng ở trong không khí, chẳng hạn như bụi hoặc phấn hoa, bạn có thể cần điều trị tiêm dị ứng thường xuyên trong một khoảng thời gian.
• Hen suyễn: Người lớn và trẻ em bị hen suyễn sẽ có nguy cơ cao bị viêm xoang.
• Nhiệt độ và độ ẩm: Khi nhiệt độ và độ ẩm quá cao hoặc điều kiện không khí thay đổi đột ngột có thể gây kích thích xoang gây viêm.
• Xoang hẹp: Một số người có cấu trúc các khe xoang hẹp hoặc vách ngăn bị lệch bẩm sinh, do đó khi có sưng, càng khó khăn hơn khi không khí đi qua.
• Vấn đề về niêm mạc: Một số người có cấu trúc màng nhầy hoạt động kém, đôi khi có thể do tổn thương vĩnh viễn xảy ra do đã từng bị nhiễm trùng.
• Mất nước: Khi bạn không bổ sung nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điều này khiến chất nhầy sẽ dày đặc lên, khiến lông mao khó di chuyển những chất này qua xoang.
• Môi trường không khí kém: Một số vấn đề làm giảm chất lượng không khí như ô nhiễm, bụi, khói hoặc nơi ở đông đúc đều có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của xoang và màng nhầy.
• Hệ thống miễn dịch yếu: Khi hệ thống miễn dịch không đủ mạnh, màng nhầy và lông mao không thể thực hiện được đúng khả năng chống lại nhiễm trùng. Hệ thống miễn dịch suy yếu có thể do chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc hoặc mắc các bệnh như HIV và AIDS.
• Hormone: Trong một vài trường hợp, sự mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến viêm xoang.
• Căng thẳng: Nghiên cứu cho thấy sự căng thẳng có thể gây tác động đến màng nhầy và xoang. Tình trạng này có thể gây ra tình trạng viêm mũi vận mạch.
• Polyp: Trong một số ít trường hợp, polyp có thể là nguyên nhân gây viêm xoang. Polyp là một dạng tổn thương có hình dáng giống với khối u nhưng không phải là u, xuất hiện do niêm mạc hoặc tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp phát triển trong xoang thường xảy ra ở những người bị hen suyễn. Polyp thường cần phải được phẫu thuật cắt bỏ.
• Khối u: Một trong những nguyên nhân hiếm gặp nhất của viêm xoang là khối u, người bệnh cần phải được phẫu thuật cắt bỏ khỏi xoang.
Viêm xoang mạn tính có các triệu chứng xảy ra thường xuyên hoặc trong thời gian dài với cảm giác khó chịu. Những người bị viêm xoang mạn tính có nhiều khả năng bị tái phát các đợt viêm xoang cấp tính gây đau hơn bình thường.
Cách điều trị viêm xoang
Các phương pháp điều trị viêm xoang có thể bao gồm:
1. Viêm xoang cấp tính
Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp tính đều có thể giải quyết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng viêm xoang có thể gây khó chịu, vì vậy bạn có thể thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà và thuốc không kê đơn (OTC) để làm giảm các triệu chứng.
Nếu nguyên nhân viêm xoang là do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Nếu các triệu chứng vẫn còn sau khi hết thuốc, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra lại.
2. Viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn tính thường không phải do vi khuẩn, vì vậy bạn không nên tự tiện sử dụng thuốc kháng sinh. Thuốc xịt corticosteroid có thể mang lại lợi ích trong các trường hợp viêm xoang tái phát, tuy nhiên những thuốc này cần có sự giám sát của bác sĩ. Nếu bị viêm xoang dị ứng, bạn có thể được điều trị bằng cách tiêm thuốc, giảm và tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng để giảm sự xuất hiện của viêm xoang mạn tính.
3. Phẫu thuật viêm xoang
Người bệnh nếu gặp các vấn đề về cấu trúc xoang mũi, chẳng hạn như vách ngăn bị lệch, có thể cần phải phẫu thuật để giải quyết tình trạng. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện khi bạn bị polyp, hoặc đã sử dụng tất cả các phương pháp điều trị khác nhau nhưng các triệu chứng viêm xoang không giảm.
Cùng với phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn cũng nên lưu ý cách phòng ngừa bệnh viêm xoang.
Một số cách giúp bạn phòng ngừa viêm xoang bao gồm:
- Tránh hút thuốc
- Tiêm chủng định kỳ
- Luôn vệ sinh tay sạch sẽ
- Tránh các chất gây dị ứng cho cơ thể
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí ở nhà
- Sử dụng máy điều hòa không khí để ngăn chặn nấm mốc và bụi
- Hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây viêm xoang và cách điều trị viêm xoang. Đây là chứng bệnh có thể phòng ngừa được, vì thế bạn hãy luôn sử dụng khẩu trang, ở trong môi trường không khí sạch và tránh những tác nhân có thể gây dị ứng mũi nhé!