Bạn thường xuyên bị khổ sở vì bệnh viêm mũi dị ứng của mình và bỗng một ngày nào đó có người chỉ cho bạn cách sử dụng nước muối sinh lý để làm giảm nhẹ triệu chứng thì liệu bạn có tin và dùng thử không? Bạn không biết là căn cứ vào cơ sở khoa học nào mà một thứ nước hết sức gần gũi và “dung dị” ấy lại làm được điều đó?
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Thuanmoc.vn!
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là một loại bệnh miễn dịch – di truyền. Nó đặc trưng bởi sự phản ứng “thái quá” của cơ thể trước những tác nhân gây dị ứng và biểu hiện tại chỗ ở mũi với những triệu chứng nhảy mũi từng tràng, chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, ngứa mũi, ngứa mắt. Sở dĩ có những “rắc rối” ấy là vì hệ miễn dịch của người đó, khi niêm mạc mũi tiếp xúc với dị nguyên, đã phóng thích ra hàng loạt các chất trung gian như histamin, cytokine… Những chất này tác động lên phản xạ thần kinh và mạch máu tại chỗ nên “gây họa”. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Xu hướng có vẻ như ngày càng gia tăng, có thể do sự “kích động” của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Bệnh này với bệnh hen suyễn thường “cặp kè” với nhau vì chúng “chung một đường” gọi là đường hô hấp.
Đường hô hấp là “cửa ngõ đầu tiên” của cơ thể để liên hệ với môi trường bên ngoài. Chính vì thế mà một cơ địa “nhạy cảm” rất dễ bị tác động bởi những dị nguyên như bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa và lông thú trong khi những người khác thì không. Tùy theo cơ địa mà có người bị dị ứng gián đoạn, có người bị dị ứng dai dẳng.
Người ta không dị ứng với bụi đường mà dị ứng với bụi nhà vì trong bụi nhà có những con mạt nhỏ li ti đang “núp lùm”. Chính những chất thải và những mảnh vụn xác chết của chúng gây nên dị ứng khi ta hít phải. Người ta cũng không dị ứng với bản thân sợi lông của “thú cưng” mà dị ứng với chất trong nước miếng khi chúng liếm lông, điển hình là mèo. Phấn hoa và nấm mốc “phóng thích” các bào tử vào môi trường sống và đó cũng là “kẻ thù” của những người có cái mũi “nhạy cảm”.
Tuy hắt hơi “rộn ràng”, sổ nước mũi trong ròng ròng, nghẹt mũi, ngứa mũi… là triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng, thế nhưng trong mùa dịch Covid-19, đặc biệt khi vaccine đã được “phủ” thì chúng ta cũng nên cảnh giác vì những biến thể mới của chủng virus tai quái này có thể có những biểu hiện “na ná”.
Hiện nay, bệnh viêm mũi dị ứng vẫn còn làm cho các bác sĩ “bó tay” nếu muốn “nhổ tận gốc, trốc tận rễ” vì nó là “trời sinh ra thế”. Việc sử dụng các loại thuốc chỉ giúp giảm bớt khó chịu và ngăn ngừa biến chứng. Thông thường, tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ cho dùng thuốc, phổ biến nhất là thuốc kháng Histamine và Corticoid. Hiện nay đã có dạng thuốc xịt mũi “2 trong 1” kết hợp cả 2 loại trên, rất tiện lợi và có hiệu quả cao.
Nhưng có một điều, các loại thuốc xịt nếu muốn “chạm vào” niêm mạc mũi thì trước hết lỗ mũi phải thông và phải sạch. Chính vì thế mà khi nghẹt mũi, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc co mạch tại chỗ để làm thông mũi, cho thuốc xịt rửa để làm sạch mũi, dọn đường cho thuốc đặc trị “tiến vào”. Nước muối sinh lý mà chúng ta đề cập ở đây, nó nằm trong khâu “dọn dẹp, chỉnh trang” đó. Nước muối “thế hệ mới” được gọi là “nước biển sâu” còn có thêm các yếu tố vi lượng, rất tốt cho niêm mạc mũi.
Những tác dụng của nước muối sinh lý trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng
Nước muối sinh lý là dung dịch nước muối vô trùng và đẳng trương, ngang bằng với nồng độ NaCl bên trong cơ thể (0.9%). Với đặc tính sát khuẩn nhẹ, an toàn cho niêm mạc và các vùng da nhạy cảm, nước muối sinh lý đã được dùng rửa vết thương, vệ sinh vùng tai mũi họng, truyền tĩnh mạch để bổ sung nước và chất điện giải…
Vậy, có thể chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý?
Như đã nói ở trên, với mục đích là “dọn dẹp”, sử dụng nước muối sinh lý để xịt, rửa mũi để làm loãng dịch nhầy bệnh lý quánh đặc bên trong, “tống khứ” chúng ra ngoài và tạo điều kiện cho hệ thống màng nhày – lông chuyển của niêm mạc mũi hoạt động suôn sẻ hơn. Các phần tử ô nhiễm gây kích ứng theo đó mà cũng được “tiễn” ra khỏi khoang mũi, trả lại sự trong sạch vốn có, cũng như hạn chế môi trường cho các loại vi khuẩn và virus khác sinh sôi.
Khi niêm mạc mũi “sạch sẽ”, chúng có điều kiện làm tốt các chức năng sinh lý của mình như tạo độ ấm và độ ẩm cho không khí trước khi đi vào phổi. Mũi thông thoáng thì hệ thống xoang sẽ thông thoáng, các phiền phức tại chỗ sẽ giảm dần cho tới khi chúng bị “quên đi” thì lúc đó hệ mũi xoang của chúng ta mới thực sự khỏe mạnh.
Cách chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý
1. Chuẩn bị nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý dùng cho mũi được “đóng gói” theo nhiều dạng tùy theo mục đích. Thí dụ, có những dạng chai nhỏ để nhỏ mắt, nhỏ mũi. Nước biển sâu đóng chai dạng xịt. Nước muối rửa mũi thì có dạng gói bột pha kèm theo bình và vòi rửa chuyên dụng.
Việc rửa mũi, tuy đơn giản nhưng nó đem lại nhiều lợi ích hơn chúng ta nghĩ. Để thực hiện, thay vì dùng những bộ chuẩn được đóng gói sẵn với giá hơi cao thì bạn có thể mua nước muối sinh lý đã đóng chai sẵn tại các nhà thuốc, tuy với giá khá rẻ nhưng yên tâm về độ tiệt trùng và chuẩn xác về nồng độ vì chúng được sản xuất để tiêm truyền. Vì mũi là nơi trao đổi khí trực tiếp với môi trường bên ngoài nên bản thân nó cũng không cần yêu cầu một vô trùng tuyệt đối. Trong trường hợp “ngại” đi mua ở các nhà thuốc, bạn có thể tự pha nước muối “gần như sinh lý” theo hướng dẫn sau:
Tự pha dung dịch nước muối sinh lý
Chuẩn bị:
- 1 lít nước sạch (nước máy đã qua thiết bị lọc nước uống, nước tinh khiết đóng chai, nước cất đóng chai hoặc nước đun sôi để nguội)
- 9 gram muối ăn hoặc muối biển tinh khiết
- Vỏ chai 1 lít bằng thủy tinh hoặc nhựa an toàn để đựng. Nếu đã có nước sạch và muối sạch thì cứ hòa tan theo tỷ lệ đó là có thể dùng được ngay.
Cách làm từ nước sinh hoạt:
- Dùng nồi hoặc ấm sạch, nên dùng dụng cụ làm từ các vật liệu không phản ứng với nước muối như inox, thủy tinh.
- Đun nước trên bếp trong 15 phút cho sôi để tiệt trùng.
- Nhấc xuống, cho muối vào khuấy nhẹ cho tan và để nguội.
- Đến khi còn ấm vừa (khoảng 35°C) thì cho vào chai sạch, vặn nắp kín và cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng khi cần.
Lưu ý:
- Khi lấy ra để sử dụng, cần làm ấm nước muối lên bằng nhiệt độ phòng.
- Để cho an toàn và hiệu quả, cần đảm bảo nồng độ nước muối tự pha không quá mặn nhưng cũng không được thấp hơn 0.9%.
- Nếu dùng nước muối sinh lý đóng chai sẵn thì phải theo hạn dùng của nhà sản xuất
- Nước muối tự pha không nên để quá 24 giờ
- Khi lấy sử dụng, tránh làm nhiễm bẩn phần nước muối còn lại.
2. Các bước thực hiện chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý
Chuẩn bị:
- Dung dịch nước muối sinh lý (mua hoặc tự pha như hướng dẫn trên)
- Dụng cụ rửa mũi
Bạn có thể dễ dàng mua dụng cụ rửa mũi với nhiều hình dáng khác nhau tại các nhà thuốc hoặc siêu thị. Cần chú ý lựa chọn chất liệu an toàn với sức khỏe, kiểu dáng dễ sử dụng và dễ dàng vệ sinh sạch sẽ.
Rửa dụng cụ sạch bằng xà phòng dịu nhẹ cho lần sử dụng đầu tiên và để khô ráo.
Cách thực hiện:
Bước 1. Cho nước muối sinh lý vào bình rửa đến vạch hướng dẫn.
Bước 2. Cúi đầu về phía trước, nghiêng đầu qua trái 45°, đặt vòi rửa vào một bên mũi và nghiêng, bóp bình cho nước muối từ từ chảy vào mũi. Không đưa vòi rửa quá sâu vào mũi để tránh đụng chạm gây tổn thương niêm mạc.
Dòng nước rửa sẽ chảy ra ngoài qua mũi còn lại. Điều chỉnh tư thế nếu nước muối chảy xuống họng.
Cẩn trọng: Để không bị sặc và tránh nước muối chảy vào xoang trán hoặc tai giữa gây viêm, trong khi rửa bạn cần:
- Thở bằng miệng
- Không nghiêng đầu ra phía sau
- Không bóp cho nước muối phun mạnh vào mũi
- Hướng dòng chảy ra sau mũi, không hướng lên trán.
Bước 3: Thực hiện tương tự với bên mũi còn lại.
Bước 4: Sau khi kết thúc, hỉ nhẹ hai bên mũi để dịch đọng trong khoang mũi được đẩy ra hết.
Tháo rời và vệ sinh dụng cụ rửa mũi với xà phòng nhẹ, để khô và cất nơi phù hợp.
Bạn không nên nằm ngay sau khi rửa mũi và khi muốn đi ra ngoài thì nên chờ ít nhất 15 phút để niêm mạc mũi có thời gian tái lập lại sự cân bằng.
Chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý cần lưu ý những gì để đạt hiệu quả?
Giữ vệ sinh là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của các quy trình chăm sóc y tế, vì vậy bạn cần giữ bàn tay sao cho sạch trong mọi khâu: chuẩn bị nước muối, rửa mũi, cất trữ các dụng cụ.
Để tránh lạm dụng việc “tẩy rửa”, tránh làm mất đi lớp màng nhầy tự nhiên của niêm mạc mũi, tránh vô tình đưa thêm các tác nhân gây hại vào mũi thì bạn không nên rửa mũi quá 2 lần/ngày. Bạn cũng không nên rửa mũi nếu không bị tình trạng tắc nghẽn bởi dịch nhầy.
Nếu có các bệnh khác kèm theo như viêm tai giữa, viêm xoang, dị hình vách ngăn, polyp mũi… thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và không nên tự ý thực hiện việc rửa mũi tại nhà. Bạn cũng không áp dụng phương pháp rửa mũi này cho trẻ dưới 2 tuổi vì rất dễ dẫn đến các biến chứng viêm nhiễm hay sặc nước nguy hiểm.
Để có sức khỏe tốt và tránh viêm mũi tái đi tái lại, bạn cần:
- Giữ vệ sinh môi trường sống và làm việc, tránh hít phải bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, lông thú nuôi.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Ăn uống lành mạnh.
- Bổ sung đủ nước.
- Vận động thường xuyên.
- Sinh hoạt điều độ
- Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
Bổ trợ cách chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý là một phương pháp đơn giản, không tốn kém và thúc đẩy nhanh tốc độ điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu bạn có những triệu chứng trở nặng hoặc bệnh kéo dài hơn 2 tuần không thuyên giảm thì hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị thích hợp.