Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là một căn bệnh thường gặp. Nếu biết cách phòng ngừa, bạn sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Viêm mũi dị ứng là một bệnh rất hay tái phát mỗi khi thời tiết thay đổi, gây khó chịu cho sinh hoạt và cuộc sống của trẻ. Căn bệnh này mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Để hiểu thêm về căn bệnh này, bạn hãy theo dõi tiếp những chia sẻ sau của Thuanmoc.vn nhé.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là tình trạng niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng histamin, gây ngứa, sưng và tích tụ chất lỏng bên trong mũi.
Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm. Ở vùng có khí hậu hàn đới như miền Bắc Việt Nam, đa phần bệnh thường gặp nhiều vào mùa xuân, mùa đông khi phấn hoa phát tán nhiều và không khí quá ẩm thấp khiến nấm mốc dễ phát triển.
Nguyên nhân gây viêm mũi ứng dị ứng ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em nhưng chủ yếu là do phản ứng của cơ thể khi gặp phải các dị nguyên như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm, khói thuốc lá và khi thời tiết thay đổi.
Căn bệnh này thường xuất hiện ở những trẻ có cơ địa dị ứng. Vì vậy, cùng một tác nhân gây kích thích nhưng có trẻ bị, có trẻ không bị.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Mỗi trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau nhưng nhìn chung sẽ có các triệu chứng sau:
- Hắt xì
- Nghẹt mũi, nhiều lúc phải thở bằng miệng
- Sổ mũi
- Ngứa mũi, họng, mắt và tai
- Chảy nước mũi trong…
Những trẻ bị viêm mũi dị ứng quanh năm có thể có các triệu chứng sau:
- Nhiễm trùng tai
- Ngáy
- Thở bằng miệng
- Ù tai
- Nhức đầu
- Thành tích học tập giảm sút
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể giống với các bệnh khác. Do đó, nếu nghi ngờ trẻ mắc căn bệnh này, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị sớm.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng bệnh này thông qua tiền sử bệnh của trẻ và khám sức khỏe tổng quát. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể dựa vào quầng thâm, nếp nhăn dưới mắt và các mô sưng bên trong mũi để chẩn đoán.
Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề nghị một vài phương pháp điều trị phù hợp với trẻ dựa trên:
- Tuổi
- Sức khỏe tổng quát
- Cân nặng
Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng thường là:
- Thuốc kháng histamine
- Thuốc xịt mũi
- Thuốc thông mũi
- Thuốc trị triệu chứng hen suyễn
Cách chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, bạn nên rửa mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra, bạn cũng nên tắm gội cho trẻ sạch sẽ để loại hết tác tác nhân gây dị ứng (trên tóc, da).
Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng để nhanh chóng loại bỏ. Nếu trẻ bị viêm mũi dị ứng do thời tiết, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để khám và điều trị chứ đừng tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh viêm mũi dị ứng, bạn có thể thử một số bí quyết sau:
- Giữ vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát, không để nấm mốc phát triển
- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi có nhiều khói bụi, khói thuốc. Nếu trong gia đình có người hút thuốc, cần đảm bảo trẻ không tiếp xúc với người đó
- Hạn chế trồng hoa xung quanh nhà, không nên nuôi chó mèo. Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại vật nuôi
- Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, bạn cần chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là vùng cổ, mũi và đôi chân
- Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ hàng ngày, nhất là lúc vừa từ ngoài đường về
- Bạn nên cho trẻ uống nhiều nước để giúp hệ hô hấp làm việc tốt hơn. Ngoài ra, bạn cần thêm rau xanh, hoa quả tươi vào chế độ ăn của trẻ để bổ sung vitamin. Nếu cần có thể cho trẻ uống bổ sung thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Nếu các triệu chứng của trẻ trở nên nghiêm trọng hoặc xuất hiện các triệu chứng mới, hãy đưa trẻ đi khám ngay. Khi đưa trẻ đi khám, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Trước khi đi khám, bạn hãy chuẩn bị sẵn những câu hỏi muốn hỏi bác sĩ. Chú ý lắng nghe những chẩn đoán của bác sĩ, lưu ý đến các loại thuốc mà trẻ dùng cũng như liều lượng phù hợp. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ xem những loại thuốc kê trong toa sẽ có tác động gì và những tác dụng phụ có thể gặp phải. Hỏi bác sĩ xem tình trạng của trẻ có thể điều trị theo những cách khác không
- Nếu bác sĩ hẹn tái khám, hãy tuân thủ lịch tái khám
- Bạn cũng có thể hỏi xin số điện thoại của bác sĩ để liên hệ sau giờ làm việc nhằm xin lời khuyên và giải đáp các thắc mắc phát sinh trong quá trình chăm sóc bé.
Các bài viết của Thuanmoc.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.