DỄ MẮC NHƯNG KHÔNG KHÓ CHỮA BỆNH VIÊM DA TIẾP XÚC

Bạn đã bao giờ sử dụng sản phẩm chăm sóc da hay chất tẩy rửa mới, và da bạn bị sưng đỏ và kích ứng chưa? Nếu có, bạn hãy cẩn thận vì có thể bạn bị bệnh viêm da tiếp xúc. Bệnh này xuất hiện khi da bạn tiếp xúc với chất lạ hoặc quá nhiều nước khiến da bị ngứa, đỏ và sưng tấy.

Hầu hết phản ứng viêm da tiếp xúc không nghiêm trọng, nhưng khiến bạn rất khó chịu cho đến khi chúng biến mất.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm da tiếp xúc?

Có ba loại viêm da tiếp xúc:

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng
  • Viêm da tiếp xúc kích ứng
  • Viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng.

Hãy cùng Thuanmoc.vn tìm hiểu chi tiết từng loại nhé:

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da có phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với chất lạ. Phản ứng này khiến cơ thể giải phóng các hóa chất gây viêm làm da bị ngứa và kích ứng.

Nguyên nhân thường gặp của bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm:

  • Đồ trang sức như niken hoặc vàng
  • Găng tay cao su
  • Nước hoa hoặc hóa chất trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da
  • Chất độc cây sồi hay cây thường xuân.

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Theo Học viện Da liễu Mỹ, viêm da tiếp xúc kích ứng phổ biến nhất trong các loại viêm da tiếp xúc, xảy ra khi da tiếp xúc với một chất độc hại.

Các chất độc hại có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng bao gồm:

  • Axit pin
  • Thuốc tẩy
  • Nước chùi rửa cống rãnh
  • Dầu lửa
  • Chất tẩy rửa
  • Bình xịt hơi cay.

Tình trạng này còn được gọi là ‘chàm tay’, viêm da tiếp xúc kích ứng có thể xảy ra ngay cả khi da tiếp xúc với các vật liệu ít gây kích thích nhưng lại tiếp xúc quá nhiều lần như xà phòng hoặc thậm chí cả nước. Những người tay phải thường xuyên tiếp xúc với nước, chẳng hạn như thợ cắt tóc, bartender và nhân viên y tế thường rất dễ bị viêm da tiếp xúc kích ứng.

Viêm da dị ứng do tiếp xúc với ánh sáng

Viêm da dị ứng do tiếp xúc với ánh sáng rất hiếm gặp. Phản ứng này chỉ xảy ra do các hoạt chất trong kem chống nắng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Bệnh viêm da tiếp xúc bao gồm những triệu chứng nào?

Triệu chứng viêm da tiếp xúc phụ thuộc vào nguyên nhân và độ nhảy cảm với các chất gây phát ban của bạn. Các triệu chứng bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm:

  • Da khô, có vảy, bong tróc
  • Phát ban
  • Da phồng rộp khô hoặc rỉ nước
  • Da bị đỏ
  • Da bị thâm
  • Da bị bỏng có hay không đau
  • Ngứa ngáy
  • Nhạy cảm ánh nắng mặt trời
  • Sưng, đặc biệt là trong mắt, vùng mặt hoặc bẹn.

Viêm da tiếp xúc kích ứng có thể gây ra các triệu chứng nhẹ khác, chẳng hạn như:

  • Phồng rộp
  • Nứt da do bị khô da
  • Sưng
  • Cảm giác da bị cứng hoặc nén chặt
  • Loét
  • Vết loét hở hình thành lớp vỏ.

Bệnh viêm da tiếp xúc được chuẩn đoán như thế nào?

Liên lạc bác sĩ nếu triệu chứng trở nặng hoặc không cải thiện sau một thời gian. Bác sĩ sẽ hỏi kỹ về bệnh sử và kiểm tra da của bạn. Ví dụ như:

  • Lần đầu tiên bạn phát hiện ra các triệu chứng là khi nào?
  • Bạn làm gì thì triệu chứng giảm bớt?
  • Bạn làm gì thì các triệu chứng nặng hơn?
  • Bạn có đi leo núi trước khi phát ban không?
  • Các triệu chứng này có xuất hiện mỗi khi bạn làm một công việc gì đó không?

Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia dị ứng để xác định nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc của bạn. Chuyên gia sẽ thực hiện kiểm tra dị ứng (gọi là một “xét nghiệm mảng”), cho một mảng da bạn tiếp xúc với một chất gây dị ứng. Nếu da có phản ứng, các chuyên gia dị ứng có thể xác định nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiếp xúc.

Các biến chứng thường gặp của viêm da tiếp xúc là gì?

Khi tình trạng ngứa và kích ứng của viêm da tiếp xúc kéo dài nghiêm trọng và dai dẳng, các biến chứng sau đây có thể xảy ra:

Nhiễm trùng

Da lở loét do kích thích hoặc gãi dễ bị nhiễm trùng vi khuẩn và nấm. Loại nhiễm trùng phổ biến nhất là tụ cầu và liên cầu, có thể dẫn đến bệnh chốc lở. Đây là một bệnh nhiễm trùng da rất dễ lây. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm.

Viêm da thần kinh

Gãi có thể làm cho da của bạn ngứa hơn, dễ dẫn đến gãi mãn tính và lan rộng ra. Kết quả da bị dầy hơn, đổi màu.

Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào là nhiễm trùng da, thường do liên cầu hoặc tụ cầu khuẩn gây ra. Triệu chứng của viêm mô tế bào bao gồm sốt, mẩn đỏ, đau ở vùng bị ảnh hưởng và các triệu chứng khác như xuất hiện vệt đỏ trên da, ớn lạnh, đau nhức. Nếu hệ miễn dịch của bạn yếu, viêm mô tế bào có thể đe dọa tính mạng của bạn. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn đang có bất cứ triệu chứng kể trên.

Ảnh hưởng tâm lý

Nếu các triệu chứng viêm da tiếp xúc nghiêm trọng hoặc kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn sẽ thấy khó khăn khi làm việc hơn và cảm thấy xấu hổ về da của mình. Nếu bạn gặp trường hợp này, hãy nói chuyện với bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng hiệu quả hơn.

Làm thế nào để điều trị viêm da tiếp xúc?

Bạn cần tránh làm trầy xước vùng da bị kích ứng nếu bạn nghĩ bạn đang bị viêm da tiếp xúc. Gãi cũng có thể làm vùng bị kích ứng nặng hơn hoặc thậm chí gây nhiễm trùng phải dùng đến kháng sinh.

Thay vì vậy, hãy rửa sạch da bằng xà bông và nước ấm để làm sạch các chất kích ứng. Bên cạnh đó, bạn có thể làm dịu phát ban là trộn hai thìa soda làm bánh vào nước lạnh. Ngâm một chiếc khăn trong nước lạnh, vắt nước và đắp vào da.

Phương pháp điều trị chống ngứa khác dùng kem calamine hoặc kem chứa hydrocortisone mà bạn có thể mua ở hầu hết các nhà thuốc. Bác sĩ có thể kê toa kem steroid tác dụng mạnh hơn nếu những loại này không làm dịu da bạn.

Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc kháng histamin như diphenhydramine để giảm ngứa và các phản ứng dị ứng.

Hầu hết các trường hợp viêm da tiếp xúc sẽ tự biến mất và không đáng lo lắng. Tuy nhiên, hãy đi đến bệnh viện nếu phát ban gần mắt hoặc miệng, xuất hiện một vùng dị ứng rộng lớn trên cơ thể, hoặc không cải thiện với điều trị tại nhà.

Bạn có thể phòng ngừa bệnh viêm da tiếp xúc như thế nào?

Hãy tránh tiếp xúc đầu tiên với chất kích thích để ngăn ngừa các triệu chứng bệnh viêm da tiếp xúc. Bạn nên chú ý những điều sau:

  • Mua các sản phẩm được dán nhãn không gây dị ứng hoặc không mùi
  • Không đeo găng tay cao su nếu bạn bị dị ứng với latex. Dùng găng tay vinyl nếu bạn cần đeo găng tay để bảo vệ da
  • Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài khi đi bộ ở nơi trống trải
  • Bôi dầu chống thấm nước trước khi đeo găng tay cao su để bảo vệ da của bạn
  • Bôi kem xoa tay hoặc kem ngăn da bị khô.

Các bài viết của Thuanmoc.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *