Mề đay và chàm là những tình trạng da liễu phổ biến, khiến cho người bệnh tự ti. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân nổi mề đay và chàm, cũng như cách điều trị hiệu quả các bệnh này.
Nổi mề đay và chàm đều là những bệnh dị ứng. Mề đay là tình trạng xuất hiện đột ngột các nốt mẩn đỏ, sưng trên da, có thể do phản ứng của cơ thể với các kháng nguyên. Chàm, hay còn gọi viêm da dị ứng, là tình trạng da đỏ và ngứa. Mời bạn cùng tìm hiểu thêm về 2 tình trạng này trong bài viết dưới đây nhé.
Làm thế nào để nhận biết nổi mề đay và chàm?
Thực tế, mề đay và chàm có những triệu chứng không giống nhau. Cụ thể:
Triệu chứng nổi mề đay
- Một vùng da nổi lên màu đỏ hoặc màu da ở bất kỳ đâu trên cơ thể.
- Các vùng da mề đay sẽ có kích thước khác nhau, thay đổi hình dáng và có thể mờ dần khi phản ứng dị ứng xảy ra.
- Ngứa, đôi khi có thể nghiêm trọng.
- Môi, mí mắt và cổ họng sưng đau.
- Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh có xu hướng bùng phát bởi nhiệt độ, tập luyện và căng thẳng.
- Các dấu hiệu và triệu chứng nổi mề đay mạn tính có thể kéo dài hơn 6 tuần (thậm chí là nhiều tháng) và tái phát thường xuyên mà không có biểu hiện cảnh báo. Đối với tường hợp cấp tính, mề đay có thể xuất hiện đột ngột và hết trong vài tuần.
Triệu chứng chàm
Tùy vào mỗi người, các dấu hiệu chàm rất khác nhau. Một số triệu chứng phổ biến như:
- Da khô.
- Ngứa, có thể nghiêm trọng, đặc biệt vào ban đêm.
- Các vùng da màu đỏ đến nâu xám, đặc biệt ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, ngực, mí mắt, xung quanh khuỷu tay và đầu gối. Ở trẻ sơ sinh, các vùng da chàm có thể xuất hiện ở mặt và da đầu.
- Các vết sưng nhỏ và nổi lên, có thể rỉ dịch hoặc vỡ khi bạn cào nó.
- Da dày, nứt nẻ và bong vảy.
- Da thô, nhạy cảm và sưng do trầy xước.
Bệnh chàm có thể xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi và kéo dài đến khi trưởng thành. Đối với một số người, bệnh chỉ xuất hiện chớp nhoáng và biến mất trong một khoảng thời gian, có thể là nhiều năm.
Nguyên nhân nào làm bạn nổi mề đay và chàm?
Nguyên nhân nổi mề đay khá giống nguyên nhân gây ra chàm. Đa phần nguyên nhân gây mề đay là từ lối sống và các yếu tố trong môi trường sống. Trong khi đó, các nguyên nhân gây chàm hiện vẫn chưa được biết rõ, nhưng có thể là do sự kết hợp giữa di truyền và các yếu tố môi trường.
Nguyên nhân nổi mề đay
Những nốt sần mề đay có thể xuất hiện khi một số tế bào nhất định giải phóng histamine và các hóa chất vào máu. Các bác sĩ vẫn chưa xác định được nguyên nhân nào gây mề đay mạn tính. Tuy nhiên, các yếu tố kích hoạt bệnh này gồm:
- Thuốc giảm đau
- Côn trùng hoặc ký sinh trùng
- Nhiễm trùng
- Gãi
- Nhiệt độ nóng hoặc lạnh
- Căng thẳng
- Ánh nắng mặt trời
- Rượu hoặc thực phẩm
- Áp lực lên da, như thắt dây lưng quá chặt
Trong một số trường hợp, mề đay mạn tính có thể liên quan đến một số bệnh tiềm ẩn, như bệnh tuyến giáp hoặc ung thư (hiếm khi xảy ra).
Nguyên nhân gây chàm
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra chàm, nhưng các chuyên gia cho rằng yếu tố di truyền và môi trường có thể gây ra bệnh. Bệnh chàm không truyền nhiễm được và thường xuất hiện ở trẻ em có bố mẹ mắc một tình trạng dị ứng. Nếu cả bố và mẹ mắc bệnh dị ứng, con của họ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc bệnh chàm.
Các yếu tố môi trường cũng có thể gây triệu chứng chàm, như:
- Các chất kích thích như xà phòng, chất tẩy rửa, dầu gội, nước ép từ hoa quả tươi, thịt và rau quả.
- Các kháng nguyên gây dị ứng, như bụi, vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc và gàu.
- Vi khuẩn như Staphylococcus aureus, virus và một số loại nấm.
- Thời tiết rất nóng hoặc lạnh, độ ẩm cao/thấp có thể gây ra bệnh chàm.
- Các sản phẩm từ sữa, trứng, các loại hạt, các sản phẩm từ đậu nành và lúa mì có thể gây ra bệnh chàm.
- Căng thẳng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh chàm nhưng có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
- Phụ nữ có thể gặp các triệu chứng bệnh chàm gia tăng vào những thời điểm khi nồng độ hormone thay đổi, ví dụ như trong thời kỳ mang thai và tại một số điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt.
Làm sao để chữa mề đay và chàm hiệu quả?
Chàm
Đối với bệnh chàm, không có một phương pháp nào có thể giúp điều trị bệnh hoàn toàn. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích chữa lành vùng da bị ảnh hưởng và ngăn ngừa các triệu chứng bùng phát. Các bác sĩ sẽ điều trị dựa vào tuổi tác, triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bạn. Đối với một số người, bệnh chàm có thể biến mất theo thời gian, nhưng nhiều người có thể sống cùng căn bệnh suốt đời.
Một số thuốc viêm da dị ứng bác sĩ có thể chỉ định để điều trị triệu chứng chàm như:
- Kem da hoặc thuốc mỡ kiểm soát sưng và giảm các phản ứng dị ứng
- Corticosteroid
- Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn
- Thuốc kháng histamine gây buồn ngủ, giúp ngăn ngừa gãi ban đêm
- Thuốc ức chế hệ miễn dịch.
Mề đay
Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên điều trị các triệu chứng bằng các biện pháp tại nhà, chẳng hạn như thuốc kháng histamine không kê đơn. Nếu việc tự chăm sóc không giúp ích, họ có thể chỉ định thuốc theo toa hoặc kết hợp các loại thuốc phù hợp nhất cho bạn, chẳng hạn như:
Thuốc kháng histamine
Các thuốc kháng histamine không gây buồn ngủ giúp ngăn chặn quá trình giải phóng histamine. Các thuốc kháng histamine này thường có ít tác dụng phụ. Một số thuốc phổ biến như:
- Loratadine (Claritin)
- Fexofenadine (Allegra)
- Cetirizine (Zyrtec)
- Desloratadine (Clarinex)
Nếu các thuốc này không có hiệu quả, bác sĩ có thể tăng liều hoặc chỉ định bạn dùng thuốc kháng histamine thế hệ một trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các thuốc khác
Nếu các thuốc kháng histamine không hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét các loại thuốc khác, như:
- Thuốc chẹn histamin (H-2)
- Thuốc chống viêm
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc ức chế miễn dịch
Nổi mề đay và chàm là hai tình trạng về da mà nhiều người gặp phải. Điều quan trọng là bạn nên đến gặp bác sĩ để được xác định rõ ràng nguyên nhân và có cách điều trị hiệu quả 2 tình trạng này.