Hoại thư là biến chứng của da bị hoại tử do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, vùng thường bị ảnh hưởng là chân và tay. Tuy nhiên, một số trường hợp lại có thể xảy ra hoại thư ở trong cơ thể và làm tổn thương cơ bắp cùng nhiều cơ quan khác. Sự xuất hiện của vùng da bị hoại thư không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà thậm chí còn khiến người bệnh bị cắt bỏ chi hoàn toàn.
1. Hoại thư – nguyên nhân gây ra và triệu chứng nhận diện
1.1. Hoại thư có nghĩa là gì
Hoại thư là thuật ngữ y khoa được dùng để chỉ một biến chứng của hoại tử hay nói một cách dễ hiểu nó chính là mô hoại tử có nhiễm trùng. Hoại thư được gây ra bởi:
- Thiếu oxy nuôi máu.
- Tổn thương về hóa học.
- Tổn thương về vật lý.
- Men phân huỷ tế bào do cơ thể tiết ra: sự xuất hiện của loại men này ở mô hoại tử làm tiêu huỷ cấu trúc mô của cơ thể và tạo cơ hội cho vi trùng tấn công rồi nhanh chóng lan ra xung quanh để vào máu và đi khắp cơ thể.
Vùng da tay bị hoại thư
1.2. Triệu chứng nhận diện hoại thư
Tùy thuộc từng loại hoại thư mà da sẽ có các tình trạng sau:
✧ Hoại thư khô
- Da khô và co rút, chuyển từ màu xanh sang màu đen rồi bong ra.
- Da có cảm giác tê, lạnh.
- Có thể bị đau hoặc không.
✧ Hoại thư ướt
- Có cảm giác đau ở vùng da bị nhiễm trùng.
- Da chuyển màu từ đỏ sang nâu và cuối cùng bị đen lại.
- Có mụn nước hoặc vết loét tiết ra dịch có mùi rất hôi.
- Mệt mỏi, sốt.
- Khi nhấn vào vùng da bị tổn thương thấy có tiếng do sự di chuyển của dịch hoặc mủ phát ra.
1.3. Nguyên nhân gây hoại thư
Hầu hết các trường hợp bị hoại thư là do:
✧ Thiếu máu
Bản thân máu có vai trò cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể đồng thời cung cấp kháng thể cho hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Vùng da bị cung cấp thiếu máu sẽ khiến các vết thương lâu lành hoặc hoại tử.
✧ Nhiễm trùng
Nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn khi không được điều trị sẽ dễ dàng chuyển sang hoại thư.
✧ Vết thương: bất kỳ vết thương hở nào trên da cũng rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Nếu những vi khuẩn này lây nhiễm vào các vết thương trên da và không được điều trị thì sẽ xảy ra hoại thư.
Người bị tiểu đường có nguy cơ cao với bệnh hoại thư
Bệnh hoại thư sẽ tăng nguy cơ phát triển đối với các trường hợp sau:
✧ Bị tiểu đường
Khi bị tiểu đường, cơ thể sẽ không sản xuất đủ hormone insulin hoặc kháng lại tác động của insulin. Bên cạnh đó, lượng đường trong máu cao còn có thể làm hỏng mạch máu, gây giảm hoặc làm gián đoạn lưu lượng máu đến một phần của cơ thể.
✧ Mắc bệnh mạch máu
Xơ cứng, hẹp động mạch và có cục máu đông cũng là lý do làm cho máu không thể đến một vùng nào đó của cơ thể và kết quả chính là hoại thư.
✧ Bị chấn thương nặng hoặc tiến hành phẫu thuật
Mọi chấn thương ở da đều có nguy cơ phát triển thành hoại thư, nghiêm trọng nhất là những trường hợp bị một vấn đề tiềm ẩn tại vùng bị thương tác động đến lưu lượng máu được lưu thông.
✧ Béo phì
Sự căng thẳng do tăng cân nặng có thể chèn ép động mạch và khiến cho lưu lượng máu giảm, nguy cơ nhiễm trùng tăng nên vết thương lâu lành.
✧ Ức chế miễn dịch
Những trường hợp bị xạ trị, hóa trị, suy giảm miễn dịch sẽ kéo theo khả năng chống nhiễm trùng cũng bị suy giảm theo.
✧ Dùng thuốc đường uống hoặc tiêm
Mặc dù rất ít khi xảy ra nhưng vẫn có một số trường hợp dùng một số loại thuốc bất hợp pháp và hậu quả chính là nhiễm vi khuẩn gây hoại thư.
✧ Biến chứng của Covid-19
Thực tế đã có một số báo cáo cho thấy những người từng gặp các vấn đề về đông máu có liên quan đến Covid-19 thì sẽ bị hoại tử khô ở ngón chân và ngón tay.
2. Biện pháp phòng ngừa hoại thư
Nếu không được điều trị sớm nhất có thể, hoại thư rất dễ để lại những biến chứng nguy hiểm, điển hình là:
Tiến trình phát triển nhanh chóng của hoại thư ở bàn chân
- Vi khuẩn nhanh chóng lây lan đến mô và cơ quan khác, thậm chí có trường hợp sẽ phải cắt bỏ một phần cơ thể để dành sự sống.
- Loại bỏ các mô bị nhiễm trùng có thể gây ra sẹo hoặc phải phẫu thuật tái tạo
Những biến chứng này cho thấy chứng hoại thư không hề đơn giản. Muốn tránh được nguy cơ phát triển của các biến chứng ấy, chúng ta cần:
✧ Chăm sóc bệnh tiểu đường
Những người bị tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra chân tay của mình để tìm vết loét và vết cắt. Vùng này có thể phát sinh dấu hiệu nhiễm trùng với các biểu hiện: đỏ, sưng hoặc bị chảy dịch. Đặc biệt, việc làm này nên tiến hành bởi bác sĩ tối thiểu 1 năm/lần và chỉ nên cố gắng kiểm soát tốt nhất lượng đường trong máu.
✧ Giảm cân
Như đã nói ở trên, người bị béo phì vừa dễ mắc tiểu đường vừa khiến cho động mạch chịu áp lực lớn nên co thắt lưu lượng máu và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
✧ Đặc biệt, nhiễm trùng càng dễ ngăn ngừa khi:
- Không hút thuốc lá vì hút thuốc lá mãn tính rất dễ bị hỏng mạch máu.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách xoa nhẹ xà phòng với nước và cố gắng giữ cho chân tay khô ráo cho đến khi vết thương lành hẳn.
- Hạ thân nhiệt: nếu thấy da tê cóng thì chứng tỏ nó có thể bị hoại thư vì lúc này lưu thông máu ở khu vực bị ảnh hưởng giảm đi rõ rệt. Nếu thấy da tê, lạnh và nhợt nhạt sau khi tiếp xúc lâu với môi trường nhiệt độ lạnh thì cần gọi bác sĩ càng sớm càng tốt.
Mong rằng những chia sẻ trên đây có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hoại thư để nhận biết sớm tình trạng này, kịp thời đến cơ sở y tế uy tín để được xử trí hiệu quả.