Mộc nhĩ là món ăn ngon, chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng nếu chế biến không đúng cách có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả gia đình.
Mộc nhĩ từ lâu đã trở thành nguyên liệu tạo nên nhiều món ăn quen thuộc trong mâm cơm người Việt. Đây là một loại thực phẩm được kết hợp trong nhiều món ăn. Nếu biết cách sử dụng thì công dụng chữa bệnh của mộc nhĩ rất hiệu quả.
Theo khoa học, trong 100g mộc nhĩ có khoảng 293.1 Kcal, 0.2g chất béo lipid, 10.6g protein, 65g đường glucid, 5.8g tro, 185mg sắt, 375mg canxi, 201mg phốt pho và 0.03mg caroten.
Với hàm lượng dinh dưỡng trên, khi ăn mộc nhĩ đúng cách với hàm lượng vừa phải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tăng cường sức khỏe đường ruột
Mộc nhĩ rất giàu chất xơ, giúp cải thiện trình trạng táo bón. Đặc biệt, prebiotics là loại chất xơ có trong mộc nhĩ giúp nuôi các vi khuẩn tốt trong đường ruột. Do đó ăn nhiều mộc nhĩ sẽ giúp vi khuẩn đường ruột sản xuất chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
Chất keo nhầy trong mộc nhĩ có thể kết dính những tạp chất trong hệ tiêu hóa và đẩy chúng ra ngoài cơ thể, làm sạch ruột và dạ dày.
Tốt cho tim mạch
Ăn mộc nhĩ có khả năng giảm cholesterol xấu nhờ lượng lớn chất chống oxy hóa mạnh. Việc giảm cholesterol xấu rất tốt trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Mộc nhĩ còn giàu vitamin K và các chất khoáng như canxi, magie. Những chất này rất hữu hiệu trong việc giảm cục đông máu, phòng bệnh tắc động mạch.
Bảo vệ gan
Mộc nhĩ còn có công dụng bảo vệ gan khỏi một số chất độc hại. Trộn bột mộc nhĩ với nước giúp đảo ngược và bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng quá liều acetaminophen (một loại hóa chất được sử dụng để điều trị sốt).
Ngăn ngừa bệnh mãn tính
Mộc nhĩ chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và bảo vệ tế bào, chống lại các tổn thương do oxy hóa. Từ đó hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, viêm khớp dạng thấp và bệnh tim.
Làm đẹp và giảm cân
Protein và vitamin E có trong mộc nhĩ giúp da tươi sáng, mịn màng. Vì vậy bổ sung mộc nhĩ vào bữa ăn hằng ngày sẽ góp phần cải thiện tình trạng lão hóa da sớm.
Bên cạnh đó mộc nhĩ cũng rất tốt trong việc giảm cân nhờ vào hàm lượng chất xơ cao và tác dụng giảm cholesterol trong máu.
3 nhóm người được khuyến cáo không nên ăn mộc nhĩ
Phụ nữ mang thai: Mộc nhĩ đen tuy có tác dụng bồi bổ tỳ nhưng đồng thời cũng có tác dụng hoạt huyết tiêu ứ, nên không có lợi cho quá trình sinh trưởng và ổn định của thai nhi, nên không nên ăn.
Người tiêu hóa kém: Do mộc nhĩ có tính hàn, bổ âm nên người đi ngoài phân lỏng, người hay bị đầy bụng, người nhiễm hàn… không nên ăn mộc nhĩ để tránh trường hợp bệnh sẽ nặng thêm.
Người có cơ địa dị ứng: Do mộc nhĩ cũng là nấm nên khi sử dụng phải thận trọng, tránh nguy cơ bị dị ứng, nhất là với những người có cơ địa dị ứng và trẻ nhỏ.
3 “đại kỵ” khi chế biến mộc nhĩ nhất định cần phải tránh
Mộc nhĩ là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn truyền thống
Không ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng
Do trong mộc nhĩ khô có thể còn sót lại các morpholine là chất độc có trong nấm nên cần phải ngâm trong nước lạnh để chất độc này có thời gian hòa tan vào nước. Nếu ngâm mộc nhĩ bằng nước sôi, sẽ không có nhiều thời gian để thẩm thấu dần như nước lạnh nên mỗi kilôgam mộc nhĩ khô chỉ có thể nở được từ 2,5 – 3,5kg. Khi chế biến, mộc nhĩ ngâm với nước sôi sẽ bị nhũn, dính, không dễ bảo quản, cất giữ.
Không dùng mộc nhĩ đã ngâm lâu
Mộc nhĩ khi ngâm vào nước sẽ giúp hòa tan độc tố và làm cho thực phẩm an toàn hơn. Nhưng, ngâm quá lâu sẽ khiến mộc nhĩ biến chất, có nguy cơ gây ngộ độc do chất đạm bị thủy phân cũng giống như thịt để lâu bị thối, khiến cho vi khuẩn dễ tấn công, gây ra nhiễm khuẩn. Ăn phải mộc nhĩ nhiễm khuẩn nguy cơ ngộ độc là rất lớn. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Ở mức nặng có thể gây hôn mê phải nhập viện cấp cứu.
Không ăn mộc nhĩ tươi
Mộc nhĩ tươi có chứa chất morpholine nhạy cảm ánh sáng, nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi mà cơ thể tiếp xúc với ánh sáng có thể làm cho da bị ngứa, phù nề, trường hợp trầm trọng còn dẫn đến hoại tử da nghiêm trọng.
Với mộc nhĩ sau khi phơi khô, chất cảm quang tự nhiên mất đi, độc tính cũng biến mất, ăn vào không còn gì nguy hại nữa.
Lưu ý, sau khi ngâm, những phần nào trên mộc nhĩ vẫn co chặt mà không có hiện tượng nở mềm thì nên bỏ đi, không ăn.